Chuyện chia cổ tức trong các ngân hàng và những góc nhìn pháp lý

09:27 17/06/2023

Chuyện chia cổ tức trong ngành ngân hàng lại có dịp “xôn xao” khi vừa qua một cựu Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways bị xử phạt hành chính do đã đăng tải thông tin có tính chất xúc phạm đến uy tín liên quan việc NH Sacombank không chia cổ tức.

Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn Tùng- Luật sư Điều hành của Công ty Luật Legal United Law và là Chủ tịch Công ty Mua Bán Nợ Royal Capital về các các khía cạnh liên quan đến việc chia cổ tức ngân hàng.

Thưa Luật sư, việc chia cổ tức cho cổ đông trong các ngân hàng, pháp luật hiện nay có quy định như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Việc chia cổ tức trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay được điều chỉnh bởi 02 nhóm quy định mà chủ yếu đấy là Luật Các tổ chức tín dụng với cụ thể là các hướng dẫn, quy định chi tiết của Ngân hàng Nhà nước và Luật Doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, cổ tức sẽ được chia sau khi các ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, đã trích lập các quỹ (trong đó quan trọng nhất quỹ dự phòng tài chính) và bù đắp các khoản lỗ trước đó, ngoài ra phải đảm bảo tiêu chí là ngay sau khi trả hết số cổ tức, ngân hàng phải bảo đảm được việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Về hình thức chi trả cổ tức, tại Khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, có quy định “cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại điều lệ Công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật”.

Điều cần lưu ý, việc chi trả cổ tức cho các cổ đông của bất kỳ ngân hàng nào, luôn cần và phải được phê duyệt, chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện thủ tục thông báo về kế hoạch chia cổ tức trên cơ sở quyết định về hình thức cổ tức được chia.

Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng. 

Xin Luật sư nói rõ hơn ở các quy định chuyên biệt của NHNN về việc chia cổ tức?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng hay các hoạt động tài chính của từng NHTM cổ phần nói riêng, NHNN kiểm soát khá chặc chẽ việc chia cổ tức và không phải ai cũng có thể hiểu biết đầy đủ về việc này. 

Câu hỏi quan tâm này là khá rộng nên tôi chỉ muốn đề cập riêng về hình thức chia cổ tức, ví như năm 2022, NHNN chỉ cho phép chia cổ tức bằng hình thức cổ phiếu và không cho phép chia cổ tức bằng tiền mặt cho hoạt động của ngân hàng trong năm tài chính 2021. Trong năm 2023, NHNN với việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17 tháng 01 năm 2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng thì NHNN có cho phép chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, Chỉ thị này khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Ngoài ra, với các tổ chức tín dụng đang có xếp hạng từ mức trung bình trở xuống hoặc mức vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ mục tiêu theo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ (nghĩa là các ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng) thì không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong thực tế, tôi quan sát và nhận thấy, trong năm 2023 cũng có ngân hàng TMCP thực hiện việc kết hợp là vừa chia cổ tức bằng tiền mặt, vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo phản ánh của một số cổ đông, nhất là các nhóm cổ đông nhỏ trong các ngân hàng có sự chèn ép giữa các cổ đông lớn đối với các cổ đông nhỏ, Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Tôi không thể khẳng định “có” hay “không” việc phản ánh này, vì chúng cần gắn vào những vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ ở đây là trong quy định pháp luật và điều lệ của một số các ngân hàng có quy định về cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm kìm chế việc xảy ra tiêu cực này. Ví như một cá nhân là cổ đông không được sở hữu vượt quá 05% hay một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng hoặc cổ đông và người/ nhóm công ty có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ...

Để được xếp vào nhóm cổ đông lớn, có ngân hàng quy định chỉ cần sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp 05% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Do vậy, quan trọng là việc sở hữu cổ phần biểu quyết chứ không phải số lượng cổ phần, có cổ đông/ nhóm cổ đông sở hữu nhiều cổ phần nhưng là cổ phần của họ chỉ được chia cổ tức và không có quyền biểu quyết nên các vấn đề phân chia, trả cổ tức họ không thể đưa tiếng nói của mình vào được. Việc chia cổ tức là một trong số những nội dung cần phải được thông qua và biểu quyết bởi Đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông và thường là các kỳ họp bắt buộc thường kỳ.

Ảnh minh họa

                                                                                       Ảnh minh họa.

Việc chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thậm chí không được chia cổ tức trong năm 2023 đã gây bức xúc cho nhiều cổ đông, ông đánh giá về việc này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Với bất cứ nhà đầu tư nào, mong muốn của họ là được chia lãi và an toàn nguồn vốn đầu tư. Việc họ lựa chọn nắm giử các cổ phần, cổ phiếu trong các ngân hàng thay vì nắm giử cổ phần, cổ phiếu ở các doanh nghiệp khác cho thấy định hướng đầu tư rõ ràng là ưu tiên lựa chọn cho sự an toàn đối với nguồn vốn của họ. Nắm giử cổ phiếu ngân hàng không đồng nghĩa với việc sẽ đương nhiên được ngân hàng chia cổ tức, việc chia cổ tức trong các ngân hàng hiện nay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và có thể kể ra như:

(i) Hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn- đây là yếu tố then chốt về bản chất;

(ii) Ý chí, định hướng phát triển và quản trị ở tất cả các khía cạnh trong hoạt động ngân hàng từ phía ban lãnh đạo của một ngân hàng cụ thể, thông thường là từ Hội đồng Quản trị và các thành viên HĐQT do các cổ đông bầu ra, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát của ngân hàng.

(iii)  Phụ thuộc vào các điều tiết vĩ mô lẫn sự chấp thuận của NHNN với các điều kiện ràng buộc cụ thể cho từng trường hợp chia cổ tức của từng ngân hàng.

Được chia cổ tức là điều mà bất cứ cổ đông dù lớn hay nhỏ đều mong muốn nhưng thật sự việc này đang có những ràng buộc lẫn nhau, tôi cũng được biết có ngân hàng dù thỏa mãn các điều kiện nhưng vẫn không chia cổ tức trong năm 2023 này và mong muốn các cổ đông chờ đợt thêm một khoản thời gian nữa.

Và tôi cũng khách quan khi đưa ra nhận định, với các cổ đông hay nhóm cổ đông nhỏ, có thể sẽ có sự chuyển dịch việc sở hữu cổ phiếu từ ngân hàng này sang ngân hàng khác sau quá trình chờ đợi được chia cổ tức bằng tiền mặt trong những năm vừa qua.    

Ông vừa đưa ra nhận định về sự chuyển dịch cổ đông này, xin ông chia sẻ rõ ý hơn?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Các cổ đông họ có thể lựa chọn việc bán cổ phiếu ở ngân hàng này mà mua lại cổ phiếu ở ngân hàng khác, đấy cũng là điều bình thường trong các quyết định đầu tư của họ nếu họ xét thấy việc sở hữu cổ phiếu ở ngân hàng nào đó là không có lợi so với ngân hàng khác và việc cố nắm giử cổ phiếu ở một số ngân hàng mà không bán đi dù không được chia cổ tức, nó cũng nằm trong kế hoạch và chiến lược đầu tư dài hạn của họ. Tôi nghĩ, với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đủ thông tin và thông minh để lựa chọn. Và với các ngân hàng, họ cũng luôn biết cách làm sao để giử các cổ đông của họ.

Có phản ánh cho rằng, một số ngân hàng đã thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng đến nay có nhiều cổ đông vẫn chưa nhận được, Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Hàng năm, thường các ngân hàng thương mại tiến hành họp kỳ họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông trong khoản thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 5, tùy vào từng ngân hàng. Và trong kỳ họp này Hội đồng Quản trị thường có các công bố về chia cổ tức.

Xét về mặt kỹ thuật thì Hội đồng Quản trị sau kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ lập danh sách các cổ đông được nhận cổ tức và xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn, hình thức trả.

Luật Doanh nghiệp có quy định “cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên” và trong thực tế thường có độ vênh nhau từ ngày công bố chính thức chia cổ tức đến ngày các cổ đông nhận được khoản chia bằng tiền mặt thường là 3- 4 tháng. Về mặt kỹ thuật, riêng việc lập và hoàn tất danh sách các cổ đông được nhận cổ tức, tại phần lớn các ngân hàng thường mất từ 15 đến 30 ngày, sau đó các ngân hàng còn thực hiện phần việc gởi thông báo về trả cổ tức đến các cổ đông trước ít nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Do vậy, thông thường các cổ đông sẽ nhận được tiền chia cổ tức trong khoảng thời gian từ giửa tháng 6 đến đầu tháng 9 hàng năm.    

Các cổ đông nhỏ thường phản ảnh là tiếng nói của họ ít được tôn trọng, vậy làm sao để các cổ đông nhỏ tăng cường được tiếng nói trong đòi hỏi về chia cổ tức, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Ngân hàng cần cổ đông để bán cổ phiếu và cổ đông cần cổ phiếu của ngân hàng để đầu tư nhằm tìm kiếm cổ tức, tôi cho rằng đây là mối quan hệ Win – Win, và cổ phiếu ngân hàng như tôi đã nói là chúng có hệ số an toàn khá cao. Trong mối quan hệ này, đâu đó về chia sẻ quyền lợi có các xung đột lẫn nhau, ấy cũng là điều đương nhiên.

Để các cổ đông/ nhóm cổ đông nhỏ có thể tăng cường được tiếng nói của mình lên Ban quản trị ngân hàng, tôi cho rằng điều cốt lõi là họ cần liên kết lại để có thể sở hữu đủ lượng cổ phần biểu quyết hay sở hữu đủ lượng cổ phần để có thể đề cử người vào Hội đồng Quản trị. Ví như, Điều lệ của Ngân hàng TMCP Sacombank có quy định một tỷ lệ khá thấp ấy là cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% đến dưới 20% cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử tối đa một ứng viên vào HĐQT và tối đa một ứng viên vào Ban Kiểm soát.

Nói thật, với nhiều cổ đông hay nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phiếu quá nhỏ, ví như dưới 05% còn không đủ điều kiện để có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các nghị quyết của HĐQT, các báo cáo của Ban Kiểm soát hay các hợp đồng, tài liệu giao dịch hoặc còn không có quyền yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng nội dung cụ thể liên quan đến việc quản lý của ngân hàng thì làm sao mà thiết lập các ảnh hưởng và tiếng nói.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng nếu các cổ đông nhỏ họ biết cách vận dụng pháp luật đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo trong việc vận dụng nguyên tắc luật về quyền được chia cổ tức, quyền công bằng giữa các cổ đông được ghi nhận trong pháp luật về doanh nghiệp và trong điều lệ hoạt động của một số ngân hàng thì cũng có thể tối đa hóa được các quyền lợi của mình.

nhiều cổ đông phản ánh là gần cả 10 năm nay chưa được chia cổ tức, vậy các cổ đông nhỏ phải làm gì để bảo vệ mình?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Nói cho cùng, nếu không được chia cổ tức bằng tiền mặt thì cổ tức vẫn còn đấy và đây được coi là khoản đầu tư đang còn tồn lại, thực tế có nhiều khoản cổ tức được cộng dồn và sẽ được tính vào kỳ chia sau do trong kỳ chia cổ tức hiện thời một số ngân hàng phải ưu tiên dùng tiền lãi cổ tức để tái cấu trúc hay xử lý các khoản nợ xấu. Ngoài ra, nếu cổ tức được chia dưới hình thức “trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ” thì đương nhiên việc sở hữu cổ phiếu của cổ đông theo đó sẽ được tăng lên.

Về mặt kỹ thuật pháp lý, khi cổ đông không hài lòng và cho rằng mình bị thiệt thòi, tôi cho rằng cổ đông có các quyền yêu cầu ngân hàng mua lại các cổ phần, cổ phiếu của mình trong một số trường hợp nhất định đã được luật hóa. Kể cả họ hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu ngân hàng thực hiện việc chia cổ tức nếu họ thấy việc khởi kiện này là có cơ sở.

Tuy nhiên, tôi nhận định các cổ đông khi không hài lòng, họ sẽ chọn việc bán đi cổ phiếu ngân hàng để thu lại các khoản đã đầu tư như tôi vừa nói ở trên.

Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi!

P.V (thực hiện)