Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm khi thị trường Việt Nam nghỉ lễ

13:34 11/04/2022

Trong lúc thị trường Việt Nam nghỉ Giỗ tổ vua Hùng, thị trường chứng khoán thế giới đang chịu áp lực giảm điểm trước các sự kiện quan trọng quyết định chính sách tiền tệ của thế giới, như báo cáo lạm phát Mỹ tháng 3 và lịch họp của ngân hàng trung ương châu Âu.

Lạm phát đang là nỗi lo chính của ngân hàng trung ương châu Âu và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED)

Lạm phát đang là nỗi lo chính của ngân hàng trung ương châu Âu và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Tâm lý trên thị trường châu Á hôm nay 11/4 đang khá thận trọng sau một tuần chỉ số MSCI chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đã giảm tới 2,6% trong tuần trước và hiện đang giảm khoảng 0,1% vào 9h sáng theo giờ Việt Nam. Chỉ số Nikkei 225 sáng thứ hai hiện giảm 0,7%, tiếp tục đà giảm tới 4,2% trong tuần trước. Dẫn dắt đà giảm của thị trường châu Á là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với Hang Seng Index hiện giảm hơn 2,5% trong bối cảnh Thượng Hải hiện bị phong tỏa do đợt bùng dịch lớn nhất với số ca nhiễm kỉ lục lên đến hơn 23000 bệnh nhân/ngày, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đóng góp kinh tế của khu vực chiếm đến 4% GDP Trung Quốc.

Chứng khoán châu Âu mở cửa sáng 11/4 với chỉ số EU50 (50 công ty hàng đầu từ liên minh châu Âu) giảm nhẹ 0,3%, giao dịch ở mức 3825 điểm, mức giảm lên tới 3,3% so với đầu tuần trước khi đã là ngày thứ 46 kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các cuộc đụng độ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các lệnh trừng phạt kinh tế tiếp tục được đưa ra, mới đây nhất là liên minh châu Âu ngày 7/4 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này. Pháp, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, cho biết biện pháp này thuộc vòng trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Hiện 45% nhu cầu than đá của các nước thành viên EU là nhập khẩu từ Nga, tương đương 4 tỷ euro mỗi năm. Dự kiến, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới. Giá than trên thị trường hàng hóa đã tăng 13% sau các lệnh cấm này.

Thứ năm tuần này, ngân hàng trung ương châu Âu cũng sẽ cuộc họp với trọng tâm là đối phó với lạm phát. Các nhà phân tích tại TD Securities nhận định: “Lạm phát đã tăng cao hơn mức mà Ngân hàng trung ương châu Âu dự tính chỉ trong một tháng trước và chúng tôi kì vọng sự thay đổi chính sách của họ với việc chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ và tháng 5 và chuẩn bị cho việc tăng lãi suất vào tháng 6”. Theo số liệu mới của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 1/4, lạm phát ở châu Âu tháng 3 tăng vọt lên mức kỷ lục 7.5% với chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính, lên tới 44,7%. Dự báo các ngân hàng trung ương Canada và New Zealand có thể nâng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp của họ vào tuần này để tránh lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.

TạI thị trường lớn nhất thế giới, hợp đồng tương lai S&P500 hiện giao dịch với mức giảm 0,6% trong phiên giao dịch sớm. Theo các nhà kinh tế học tại JP Morgan, phố Wall hiện đang phản ứng khá tốt với mức giảm chỉ 2% trong tuần trước khi đối mặt với một đợt bán tháo trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, đưa lợi suất tăng lên mức hơn 2,77%, cao nhất kể từ 2018 khi các thị trường từ trái phiếu đến hàng hóa, chứng khoán đua nhau định giá trước các nguy cơ tăng lãi suất mạnh tay của FED. Nhà kinh tế học người Mỹ Ethan Harris của BofA hiện dự kiến ​​FED sẽ tăng nửa điểm lãi suất cơ bản ở mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp tiếp theo, mà hai cuộc họp gần nhất vào tháng 5 và tháng 6, với mức lãi suất đỉnh chu kỳ khoảng 3,25-3,50%. Ông cho biết thêm: “Nếu lạm phát bị mắc kẹt trên 3% thì FED sẽ cần tăng lãi suất cho đến khi tăng trưởng kinh tế xuống gần mức 0%, đối mặt với suy thoái kinh tế nếu không muốn để lạm phát vượt khỏi kiểm soát”. Vào thứ ba ngày 12/4, Mỹ sẽ công bố lạm phát tháng 3/2022 với kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế học sẽ lại là một con số ở vùng kỉ lục do giá nhiên liệu tăng cao.   

Anh Dũng