Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp nghe báo cáo về khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diễn ra vào ngày 12/2/2025 vừa qua.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án trong khu công nghiệp, trong đó lưu ý công tác lập quy hoạch phân khu làm sao phát huy tối đa công năng, chức năng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, tránh lãng phí tài sản công.
![]() |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu |
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ có 10 khu công nghiệp với diện tích 4.334ha; có 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích 983,6ha. Đến nay, đã thành lập 2 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp An Nghiệp hoạt động từ năm 2006, Khu công nghiệp Trần Đề đã cơ bản xây xong hạ tầng kỹ thuật, dự kiến khánh thành đi vào hoạt động cuối quý I/2025. Tỉnh đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và đang công bố kêu gọi đầu tư 3 Khu công nghiệp: Mỹ Thanh, Đại Ngãi và Sông Hậu. Các Khu công nghiệp Đại Ngãi 2, Trần Đề 2, Khánh Hòa, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Mỹ, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Trần Đề và mở rộng Khu công nghiệp An Nghiệp đang triển khai lập quy hoạch xây dựng, dự kiến hoàn thành chậm nhất trong năm 2026 để công bố, kêu gọi đầu tư giai đoạn 2026 - 2030.
Đối với cụm công nghiệp, toàn tỉnh đã thành lập được 5 cụm công nghiệp, có diện tích 202,5ha gồm: Cụm công nghiệp Ngã Năm, Cụm công nghiệp Xây Đá B, Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 2, Cụm công nghiệp Xây Đá B mới. Đến nay, có 2 cụm công nghiệp đã có dự án đầu tư thứ cấp là Cụm công nghiệp Ngã Năm và Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1; Cụm công nghiệp Xây Đá B đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 1 cụm công nghiệp đang lập thủ tục giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Xây Đá B mới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai; thu hồi đất tại các dự án đầu tư đã dừng hoạt động; lập quy hoạch phân khu khu công nghiệp; giấy phép môi trường; công tác giải phóng mặt bằng; phương án sử dụng đất… Qua đó, các sở, ban ngành tỉnh, địa phương báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc tại khu, cụm công nghiệp và đề xuất giải pháp, hướng giải quyết những khó khăn tại từng khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.
![]() |
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu giao Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm những khó khăn, tồn đọng tại Cụm công nghiệp Ngã Năm và Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1 và cụm công nghiệp khác để kêu gọi, thu hút đầu tư doanh nghiệp vào đầu tư, tạo điều kiện cho địa phương phát triển.
Ông nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp rất quan trọng, giúp tỉnh tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển đô thị… Vì vậy, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện công tác xây dựng, phát triển khu, cụm công nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh, kết hợp hài hoà 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường.