Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến với các địa phương để sơ kết 01 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhận định: Việc thực hiện chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Đồng thời, chỉ rõ những “điểm nghẽn” trong Chuyển đổi số cần khắc phục, đó là: Nhận thức về chuyển đổi số ở một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai Chuyển đổi số; người đứng đầu một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến Chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh chưa thu hút được các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Việc phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do thiếu điện lưới, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Mặt khác, kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra. Các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh, trung tâm IOC vẫn chưa đạt được yêu cầu. Hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý và điều hành ở một số ngành, địa phương chưa có sự kết nối liên thông và chia sẻ…
Sau khi chỉ rõ những “đểm nghẽn”, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác Chuyển đổi số đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Trung ương; tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao hiệu quả về Chuyển đổi số.
Đối với việc phát triển chính quyền số: Cần tập trung số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh. Ưu tiên chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng có đóng góp lớn cho GRDP như: Công thương, Du lịch, Nông nghiệp, logistic, Thông tin và truyền thông… Cần phát triển mạnh hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng dữ liệu số bảo đảm tập trung, kết nối, liên thông. Về kinh tế số, xã hội số: Cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất kinh doanh và người dân. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số.
Để khơi thông nhưng “điểm nghẽn”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chỉ đạo: Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực Chuyển đổi số. Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao kết quả đánh giá Chuyển đổi số (DTI). UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo triển khai phát sóng chuyên mục riêng về Chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở của địa phương. Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, trong đó người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải là Trưởng Ban; xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số hàng năm và giai đoạn 2022-2025. Đối với những sở, ngành, UBND cấp huyện chưa ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn và hàng năm cần phải quan tâm thực hiện. Đồng thời, tập trung số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, Kho dữ liệu các ngành: GD&ĐT; Y tế; LĐ-TB&XH; Tư pháp; Văn hóa; Nội vụ; NN&PTNT; Công Thương; GTVT… Cùng với đó, cần rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất toàn tỉnh.
Hoàng Lan