Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan Trần Ngọc Phúc - "cha đẻ" của chiếc máy thở MV20 cho bệnh nhân Covid-19

14:48 07/06/2021

Nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan Trần Ngọc Phúc được biết đến là “cha đẻ” của MV20 - dòng máy thở đa năng đặc biệt điều trị bệnh Covid-19. Ông cũng là người phát minh ra máy thở cao tần Hummingbird (HFO) đã cứu sống hàng triệu trẻ sinh non thiếu tháng trên hơn 20 quốc gia.

Để lại dấu chân trên đất Nhật

Ông Trần Ngọc Phúc (tên Nhật là Kazufuku Nitta) sinh năm 1947 trong một gia đình thương nhân khá giảNăm 1968, ông Trần Ngọc Phúc sang Nhật theo học ngành hóa công nghiệp tại Đại học Tokai. Tốt nghiệp đại học năm 1974, ông thực tập cho công ty Senko Ika tại Nhật Bản chuyên phát minh và sản xuất thiết bị dụng cụ y tế. Ban đầu, dự định của ông là mang những kiến thức mình đã học hỏi được về áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm thực tập, ông khám phá ra bản thân có năng khiếu cũng như có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát minh sáng tạo. 

Ông Trần Ngọc Phúc. Nguồn ảnh: Internet
Ông Trần Ngọc Phúc. Nguồn ảnh: Internet.

“Thời điểm đó, số lượng người nước ngoài du học tại Nhật Bản không phải là nhiều, với vị trí là một nghiên cứu sinh tôi coi mình như một “vị khách” sống tại Nhật Bản và lẽ tất nhiên người Nhật cũng đối xử với tôi như một “vị khách”. Nhưng khi quyết định ở lại, tôi buộc phải cố gắng, tranh đấu để có thể hòa nhập, tìm được chỗ đứng của bản thân trong xã hội Nhật Bản” – ông Trần Ngọc Phúc chia sẻ.

Không phải ai cũng dễ dàng sống được ở một vùng đất mới. Để tạo được chỗ đứng trong xã hội Nhật thì con đường mà ông chọn là làm việc gì mà người Nhật không muốn làm hoặc chưa làm như nghiên cứu máy hỗ trợ hô hấp, máy van tim… - những dụng cụ y tế liên quan trực tiếp tới sinh mệnh con người. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, ông đã chọn nghiên cứu thiết bị hỗ trợ hô hấp. Những khó khăn ban đầu không ít. May mắn, Giám đốc của công ty Senko Ika đã tạo điều kiện cho ông đi học những kiến thức liên quan đến hô hấp ở một trường đại học Y trong khoảng 1 năm, sau đó là thực tập ở một số đại học Y khác. Ông cũng phải tự mày mò học thêm, tự nghiên cứu ngày đêm vì lúc bấy giờ ở Nhật chưa ai nghiên cứu về ngành này. Sau thời gian học tập, ông trở về công ty cũ làm việc ở bộ phận nghiên cứu gây mê và hô hấp. Ông dành 10 năm để cống hiến cho công ty đã có công đào tạo, giúp đỡ mình.

“Khi làm cho một hãng lớn như vậy, tôi bị những chi phối nhất định. Sự gò bó và phức tạp của công ty khiến tôi suy nghĩ nhiều bởi trong cuộc đời ngắn ngủi của con người, được làm theo niềm yêu thích, đam mê là điều hạnh phúc. Sau đó, tôi xin phép giám đốc của công ty cho tôi ra ngoài làm riêng và lẽ đương nhiên bởi mình mang ơn người ta nên tôi nói rằng, những sáng chế tương lai của tôi, công ty sẽ được ưu tiên sử dụng hoặc kinh doanh mua bán cho tôi. Trong trường hợp họ từ chối thì tôi mới đưa các sản phẩm đó cho những nơi khác”, ông Phúc kể.

Và với suy nghĩ như vậy, năm 1982, ông Trần Ngọc Phúc đã thành lập Công ty Metran tại Bunkyo-ku, gần Đại học Tokyo và hiện nay Công ty đã chuyển về Thành phố Kawaguchi, Tỉnh Saitama (cách Thủ đô Tokyo khoảng 30 km).

Hiện tại, Công ty Metran tại Nhật Bản có khoảng 50 nhân viên. Công ty tuy nhỏ nhưng với ông, khi làm việc trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội và con người. Từ năm 2006, ông đã thành lập công ty tại Việt Nam, đồng thời tuyển dụng và đào tạo phát triển nhân sự người Việt tại Nhật Bản. Các thiết bị y tế nổi tiếng của Công ty là máy hô hấp cao tần trợ thở cho trẻ sơ sinh thiếu tháng và người bệnh cao tuổi, máy gây mê, máy tạo oxy… dùng trong bệnh viện và gia đình. Các loại máy móc và thiết bị do Metran nghiên cứu, chế tạo được áp dụng những công nghệ mới, hiện đại vào loại bậc nhất thế giới, hình thức nhỏ gọn và dễ sử dụng. Những thiết bị y tế của Metran đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho điều trị bệnh nhân tại vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Hiện nay, các sản phẩm y tế của công ty Metran đã chiếm lĩnh thị trường máy thở cao tần HFO tại Nhật Bản, có mặt tại 53 quốc gia trên thế giới và bắt đầu thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Bằng những cống hiến của mình trong lĩnh vực thiết bị y khoa, năm 2012, ông Trần Ngọc Phúc vinh dự được Nhật Hoàng tới thăm nhà máy và vinh danh. Tiếp đó, năm 2018, ông cũng được Nhật Hoàng trao tặng Huân chương “Mặt trời mọc”, trở thành niềm tự hào của Việt Nam tại Nhật và thế giới. 

Ông Trần Ngọc Phúc bên sản phẩm máy thở của Metran. Ảnh: S-World
Ông Trần Ngọc Phúc bên sản phẩm máy thở của Metran. Ảnh: S-World.

Tâm huyết dành cho quê hương và người Việt tại Nhật Bản

Năm 2020, kết quả đánh giá từ London về Nhật Bản cho thấy nếu nước này không triển khai máy thở vào điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tỷ lệ tử vong có thể lên đến con số 400.000 người. Ông Phúc khi đó đã sớm được Chính phủ Nhật Bản đặt hàng sản xuất chiếc máy thở đặc trị căn bệnh hô hấp này. Cùng thời điểm, ông Phúc cũng được đề nghị thiết kế một chiếc máy thở điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam khi những dự báo về tình hình dịch bệnh có thể sẽ xấu đi.

Khi Việt Nam đang cần sự trợ giúp trong công cuộc phòng chống dịch, với tình yêu thương đất nước, ông mong muốn góp một phần công sức cho Việt Nam bằng tri thức và uy tín 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở. Và cuối cùng, chiếc máy thở MV20 đã được ra đời với tất cả tâm huyết và hy vọng của ông.

MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị COVID-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ.

Là doanh nghiệp có chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ nhưng ông Phúc cho biết Metran cũng gặp khó khăn để hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính khi sản xuất máy thở. Do đó, tập đoàn của ông Phúc đã hợp lực cùng các tổ chức, doanh nghiệp ở quê nhà và kết quả là 2.000 máy thở Eliciae MV20 đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đặt hàng Metran để tặng Chính phủ, người dân Việt Nam, phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Chủ tịch Metran cũng cho biết người Việt Nam không chỉ tương trợ đồng bào mình mà còn giúp đỡ những người bạn quốc tế. Ông Phúc rất xúc động khi nhận được lời nhắn nhủ từ những người bà con ở nước ngoài như Australia quyên góp tiền để mua máy MV20, các đồ dùng y tế tặng cho Ấn Độ trong thời gian quốc gia này khốn đốn vì dịch bệnh.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm ứng dụng ở Việt Nam, những phát minh của ông Trần Ngọc Phúc còn là giải pháp dành cho cộng đồng trên toàn thế giới. Trong đó phải kể đến dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”.

Dự án này chứa đựng tâm huyết của ông cùng các đồng sự trong việc sáng tạo sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, thuận tiện cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phổi.

Khẩu trang có đặc điểm như chất liệu silicon, bộ lọc không khí an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường không khí xung quanh. Khoang khẩu trang tạo áp lực dương, đảm bảo không khí chưa lọc khuẩn không thể xâm nhập vào hệ hô hấp. Mặt khác, thiết bị đi kèm được nối bằng một ống dẫn khí với khẩu trang có tích hợp tia tử ngoại diệt virus bám trên bề mặt cùng khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh.

Tác giả của phát minh này chia sẻ trong tương lai sản phẩm sẽ được bổ sung thêm cảm biến đo áp lực không khí, ô nhiễm không khí, hay thậm chí là thân nhiệt của người sử dụng để tiến hành phân tích.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng virus Covid-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5. Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ bản thân trong môi trường không khí, một chủ đề mà ông Phúc đã bỏ công nghiên cứu từ nhiều năm về trước.

“Tôi mong rằng khẩu trang sẽ sớm trở thành một phong cách để hành động đeo khẩu trang trở nên phổ biến và gần gũi hơn với mọi người. Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng", ông Phúc chia sẻ.

TH