![]() |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đề xuất giải pháp ứng phó chính sách thuế quan mới của Mỹ |
Việc Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46% – thuộc nhóm cao nhất trong số các quốc gia bị áp thuế từ Hoa Kỳ đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp tại Thái Bình.
Trước tác động từ chính sách mới, ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình – đã chia sẻ với báo chí những ảnh hưởng cụ thể đến doanh nghiệp địa phương và các giải pháp ứng phó.
Ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó
Theo ông Đỗ Văn Vẻ, việc Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam là hệ quả của chính sách bảo hộ thương mại đang được đẩy mạnh, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. “Chính sách này sẽ khiến hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ – vốn là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm,” ông nhận định.
Các lĩnh vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm: nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, và điện tử – đều là những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Thái Bình. Khác với các đợt áp thuế trước đây chỉ tập trung vào một số mặt hàng nhất định, lần này mức thuế cao được áp trên diện rộng, khiến tác động càng trở nên sâu rộng và nghiêm trọng.
Với mức thuế mới, chi phí tài chính cho hoạt động xuất khẩu vào Mỹ sẽ tăng mạnh, kéo theo giá thành sản phẩm bị đội lên, làm giảm khả năng cạnh tranh. “Lợi nhuận sẽ sụt giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư, mở rộng sản xuất, thậm chí ảnh hưởng đến việc làm và ổn định kinh tế địa phương,” ông Vẻ phân tích.
Tâm lý bất ổn cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đầu tư và thị trường tiêu thụ trong thời gian ngắn.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tình hình mới. Trong đó, một số kiến nghị nổi bật đã được đưa ra:
Cập nhật thông tin chính sách và tư vấn chiến lược ứng phó kịp thời cho doanh nghiệp.
Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN – những thị trường đã có ký kết FTA với Việt Nam.
Hỗ trợ tài chính thiết thực, bao gồm việc đề xuất các gói vay ưu đãi lãi suất thấp, miễn giảm thuế phí phù hợp.
Thúc đẩy kết nối và liên kết chuỗi cung ứng nội địa, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Tăng tốc chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Vẻ cho biết, Hiệp hội cũng đang lên kế hoạch tổ chức các hội nghị đối thoại, khảo sát thực tế tại doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ sát thực hơn.
Ông Đỗ Văn Vẻ khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thái Bình cần ngay lập tức rà soát hoạt động sản xuất – kinh doanh, chủ động cơ cấu lại thị trường và chuẩn bị các kịch bản ứng phó linh hoạt.
Về dài hạn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng cường năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư mạnh hơn vào công nghệ và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.