Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đề án tập trung vào hai mục tiêu chính.
Trước hết là củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của doanh nghiệp nhà nước, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt.
Sau đó hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ mới.
Các tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực nghiên cứu thí điểm gồm: Có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn nghiên cứu thí điểm phải có tổng tài sản sản trên 20.000 tỷ đồng, ROE lớn hơn 6%; chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…
Theo đề xuất ban đầu, có 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là Viettel, VNPT, MobiFone; 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Đề án lựa chọn Vietcombank.
Hiện doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường.
Linh Anh