![]() |
Cách tiếp cận ông Donald Trump khéo léo của CEO Tim Cook đã giúp Apple thoát đòn thuế quan |
Ngày 11/4, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) thông báo miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, cũng như máy móc để sản xuất bán dẫn, pin mặt trời. Ngày 13/4, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng các sản phẩm này "đang dịch chuyển sang một mức thuế khác".
Theo Reuters, dù có thể vẫn bị áp thuế khác, diễn biến mới có lợi cho các hãng công nghệ, đặc biệt là Apple - gã khổng lồ vốn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nước ngoài.
Theo một loạt báo cáo từ The Washington Post và nhiều nguồn khác, ông Tim Cook đã triển khai một chiến dịch vận động hành lang bài bản và âm thầm. Trong khi nhiều CEO công nghệ giữ khoảng cách với ông Trump hoặc công khai chỉ trích chính sách của ông, thì CEO Tim Cook chọn cách tiếp cận mềm dẻo và kiên trì xây dựng mối quan hệ cá nhân bền chặt với Nhà Trắng.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố nâng thuế lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc – nơi Apple gia công phần lớn sản phẩm – CEO Tim Cook đã nhanh chóng gọi điện trực tiếp cho Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick để trình bày chi tiết tác động tiêu cực của thuế quan lên giá thành iPhone và lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Ông cũng liên hệ với nhiều quan chức cấp cao khác và duy trì quan điểm trung lập trên truyền thông, tuyệt đối không công kích chính sách thương mại của Nhà Trắng.
Ngoài ra, trước đó, ông Tim Cook còn quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump và từng được chính Tổng thống công khai thừa nhận: “Gần đây tôi đã nói chuyện với Tim Cook. Tôi đã giúp ông ấy và toàn bộ ngành đó. Tôi không muốn làm tổn thương ai cả".
"Tim có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống. Ông ấy rất thận trọng vì rõ ràng ông ấy phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với Mỹ", ông Wilbur Ross, cựu bộ trưởng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhận xét. |
Nhờ chiến lược tiếp cận khôn khéo, Apple đã tạm thời tránh được một “cơn bão” tài chính. Các sản phẩm chủ lực của hãng được miễn thuế, giúp công ty tránh nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ USD và giảm áp lực tăng giá sản phẩm đối với người tiêu dùng Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên CEO Tim Cook "chèo lái" được chính sách của chính quyền ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, ông từng thành công trong việc thuyết phục tổng thống không áp thuế với thiết bị Apple để tránh tạo lợi thế cho Samsung – đối thủ đến từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đặc ân này có thể chỉ mang tính tạm thời. Ông Donald Trump đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng “không có ngoại lệ thuế quan” và các công ty như Apple có thể sẽ “chuyển sang một nhóm thuế quan khác” sau khi chính phủ hoàn tất cuộc điều tra về chuỗi cung ứng bán dẫn và điện tử vì lý do an ninh quốc gia trong vài tháng tới.
Để đối phó lâu dài, Apple đã cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ, đồng thời công bố kế hoạch sản xuất máy chủ Private Cloud Compute tại Houston (Texas) với sự hợp tác của Foxconn. Dù vậy, việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ không hề đơn giản, khi các rào cản như chi phí xây dựng nhà máy, thiếu lao động tay nghề cao và giá nhân công đắt đỏ vẫn là những thách thức hiện hữu.
Không chỉ Apple, nhiều CEO công nghệ khác cũng đang điều chỉnh chiến lược tiếp cận với chính quyền Trump. CEO Jensen Huang (NVIDIA), CEO Sundar Pichai (Google) và các lãnh đạo khác đều đang chủ động tiếp cận Nhà Trắng và cả khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago – nơi ông Donald Trump hiện diện thường xuyên hơn. Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi nhiều CEO công nghệ từng bị ông công khai chỉ trích trên Twitter.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc miễn thuế cho Apple. Ông Michael Strain từ Viện Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích gay gắt: “Việc một công ty lớn nhất thế giới được miễn trừ vì quy mô và khả năng vận động hành lang không phản ánh sự công bằng trong chính sách. Nó khiến doanh nghiệp phải dành thời gian cho chính trị thay vì đổi mới công nghệ.”