Chiến dịch tiêm vaccine thần tốc: Trung Quốc từ “kẻ gây họa” trở thành "gã khổng lồ" tiêm chủng

10:11 17/07/2021

Sau quá trình sàng lọc và thử nghiệm chuyên sâu, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi định hướng chiến lược hiện tại từ chủ lực phòng chống dịch sang tiêm chủng quy mô cả nước, phá kỷ lục trong thời gian ngắn và đạt thành công 100 triệu lượt tiêm chỉ trong vòng 25 ngày. Con số trên đã gây ấn tượng trên trường quốc tế và nhiều nước phương Tây chưa thể lý giải nhờ đâu Trung Quốc có được sự phục hồi như ngày hôm nay.

Kỷ lục tiêm chủng 700 triệu dân

Theo báo cáo từ Tổng Công ty Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, tính đến ngày 2 tháng 6, 31 tỉnh (bao gồm các khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương) và Tân Cương đã triển khai tổng cộng 704,826 triệu liều tiêm chủng. Tốc độ và số lượng này đã phá vỡ kỷ lục thế giới, thậm chí nhiều quốc gia bắt đầu đặt câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu. Trong những ngày đầu thực hiện chiến dịch, Trung Quốc đã hoàn thành 100 triệu mũi tiêm trong vòng 25 ngày, hiện nước này đã vượt qua mốc 700 triệu mũi tương ứng với gần 700 triệu người tiếp nhận vaccine lần 1 hoặc lần 2. 

Một điểm tiêm chủng tại địa phương
Một điểm tiêm chủng tại địa phương. (Ảnh: baidu) 

Hầu hết các đợt tiêm chủng mới tại đây đều bắt đầu được thực hiện đồng thời và có trật tự, hiện chiến dịch đang trong giai đoạn tăng tốc. Mất 25 ngày để đi từ con số 0 đến 100 triệu và thời gian cần thiết cho mỗi 100 triệu lần tiêm chủng ngày càng thu hẹp. Phải biết rằng Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các nước phương Tây khác đã chính thức công bố thời gian tiêm chủng quốc gia sớm hơn so với Trung Quốc, nhưng đến nay số lượng tiêm chủng hàng ngày vẫn chỉ ở ngưỡng khoảng 3 triệu liều. Căn cứ theo tỷ lệ hiện có, Trung Quốc đang dẫn trước và sẽ là nước đầu tiên đạt miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, trong khi tăng cường tiêm chủng trong nước, cường quốc thứ hai thế giới đã cung cấp vaccine cho một số các quốc gia. Tính đến nay, nước này đã xuất khẩu khoảng 300 triệu liều vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng hai bước, ba mục tiêu

Thực tế, tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc liên quan nhiều đến quy hoạch của Chính phủ, kể từ khi chính thức đẩy mạnh tiêm vaccine ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc đã chứng minh sức mạnh thông qua tốc độ và hiệu quả tiêm chủng. Xét từ khả năng huy động, việc vận động 1,4 tỷ dân trên cả nước trong thời gian ngắn là điều không dễ dàng. Cụ thể, theo Cui Gang, người đứng đầu CDC thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, tiêm chủng dịch bệnh Covid-19 được thực hiện theo hai bước.

Bước đầu tiên chủ yếu là thực hiện tiêm chủng cho một số đối tượng chính, bao gồm những người tham gia chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, lái tàu, dịch vụ hàng không, thị trường thực phẩm tươi sống, giao thông công cộng, kiểm soát dịch bệnh y tế và các nhân viên có trình độ cao cũng như những người có nguy cơ lây nhiễm khi làm việc và học tập tại các nước hoặc vùng có dịch.

Bước thứ hai, khi nguồn cung vaccine ổn định sẽ đưa vào sử dụng tùy theo điều kiện trên thị trường và tăng dần sản lượng. Thông qua thực hiện tiêm chủng có trật tự, những người đủ điều kiện được tiến hành tiêm 2 đợt và dần dần xây dựng hàng rào miễn dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút Corona trong nước.

Đại dịch viêm phổi cấp là một thảm họa đối với nhân loại, đồng thời mở ra một chiến chiến trường mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến không có thuốc súng này, Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ chiến đấu vì nguồn lực y tế và tài chính, mà thể hiện sức mạnh tổng thể của quốc gia về quản trị, ngoại giao, kinh tế và công nghệ.

Hiện cuộc chiến này đã bước sang giai đoạn thứ ba. Trong hai giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh dư luận và đối phó dịch bệnh, Trung Quốc đã đánh bại Mỹ, chống lại các cuộc tấn công dư luận do Mỹ và một số nước phương Tây phát động nhằm vào Trung Quốc. Trong giai đoạn thứ ba của cuộc chiến vaccine, Trung Quốc một lần nữa áp đảo Hoa Kỳ với những thành tựu đáng kinh ngạc, trở thành quốc gia xuất khẩu vaccine mới lớn nhất. Theo dữ liệu từ một công ty phân tích, đất nước tỉ dân đã phân phối khoảng 240 triệu liều vắc xin, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đưa vaccine do Tập đoàn Sinopharm sản xuất vào danh sách sử dụng khẩn cấp, trở thành loại thứ sáu được chứng nhận sử dụng, tỷ trọng xuất khẩu vaccine của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Vào đầu năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp vaccine Trung Quốc dự đoán rằng: “Vaccine sản xuất trong nước có thể vượt quá 2 tỷ liều vào cuối năm nay. Khi nhiều công ty hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng và được phê duyệt, tổng số năng lực sản xuất sẽ vượt quá 4 tỷ liều, đáp ứng ít nhất 40% nhu cầu trên khắp thế giới”.

Nói cách khác, thị phần vaccine toàn cầu của Trung Quốc rất có thể đạt 40%-50%, tiếp tục lấn át Hoa Kỳ và các nước khác. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến vắc xin, Trung Quốc cần đạt được ba mục tiêu. Xuất khẩu vaccine không chỉ giúp thế giới chấm dứt dịch bệnh càng sớm càng tốt, mà còn đem lại ba tác động chiến lược sâu rộng đối với nước này. 

Trung Quốc tiêm chủng trên diện rộng
Trung Quốc tiêm chủng cho người dân trên diện rộng. (Ảnh: baidu)

Thể hiện sức mạnh và trách nhiệm của cường quốc

Là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, Hoa Kỳ không còn đạt được tín nhiệm do hành vi tích trữ vaccine và thực hiện khiểm soát xuất khẩu nguyên liệu. Ngay cả đối với các nước láng giềng ở châu Mỹ Latinh, trong cuộc chiến chống lại làn sóng dịch bệnh lần thứ ba, 10 quốc gia đông dân nhất ở khu vực trên đã nhận được hơn 140 triệu liều vaccine, trong đó Trung Quốc đóng góp hơn một nửa số lượng.

Ngược lại, Trung Quốc đã có cơ hội thể hiện được phong thái và trách nhiệm của một quốc gia lớn. Nước này quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ toàn diện cho các nước trên thế giới chống dịch, đặc biệt là khi phương Tây đang dốc toàn lực để tích trữ vaccine. Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng hình ảnh một cường quốc đáng tin cậy, khác hoàn toàn so với hình ảnh trên đấu trường địa chính trị với thông điệp: Ai có thể dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch COVID-19, ai có thể giúp thế giới trẻ hóa nền kinh tế và phát triển trở lại trong tương lai, kẻ đó sẽ đứng đầu.

Giảm bớt áp lực cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông

Kể từ đầu năm nay, tần suất các chuyến thăm của quân đội Mỹ ở Biển Đông tăng dần. Các đồng minh phương Tây như Anh, Đức, Pháp, Canada,... điều tàu chiến đến Biển Đông để phô trương sức mạnh. Cuộc đấu tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông đang leo thang. Bởi vì trọng tâm chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ là kiềm chế “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới sức tàn phá của đại dịch, nhóm các đồng minh của Hoa Kỳ đã bị phân tán do bận rộn chống chọi với đại dịch và khôi phục nền kinh tế.

Điển hình nhất là Philippines đã nhượng bộ do Trung Quốc đã hỗ trợ chống lại dịch bệnh và vận chuyển một số lô vaccine mới. Không chỉ Philippines, các nước ASEAN khác cũng đã nhận ủng hộ tương tự. Chiến lược này của Trung Quốc nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao trên thế giới cũng như lôi kéo các nước khác đứng về phe mình.

Lãnh đạo và thành lập mặt trận thống nhất cho các nước đang phát triển

Vaccine ở Châu Âu và Hoa Kỳ chủ yếu do một số nước Âu Mỹ và các đồng minh phân phối còn vaccine từ Trung Quốc chủ yếu được gửi đến các nước đang và kém phát triển. Như vậy, vòng tiêm chủng ở Châu Âu và Hoa Kỳ chỉ có khoảng 1 tỷ người trong khi Trung Quốc có thị phần khổng lồ với hơn 4 tỷ dân từ Đông Nam Á đến Trung Đông, Châu Phi. Ngay cả ở các “sân sau” của Mỹ như Mỹ Latinh tràn ngập vaccine Trung Quốc.

Hơn nữa, vaccine của Trung Quốc là ưu tiên hoặc thậm chí là lựa chọn duy nhất cho hầu hết các nước đang phát triển và các nước nghèo. Bởi không chỉ sở hữu nguồn cung dồi dào và rẻ hơn phương tây, vaccine Trung Quốc không gặp khó khăn về kỹ thuật vận chuyển và bảo quản. Do đó, vaccine của Trung Quốc đã trở thành lực lượng chính trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở các nước đang phát triển.

Ví dụ, tỷ lệ tiêm chủng ở các nước châu Phi chỉ là 1%, trong khi dân số châu Phi là gần 1,3 tỷ người, riêng ở châu Phi khoảng cách vaccine đã lên tới 2 tỷ liều. Ai Cập đã thông báo rằng sẽ hợp tác với Trung Quốc để sản xuất vaccine vàsẽ có mặt trên thị trường vào cuối tháng 6. Số vaccine sản xuất được sử dụng trong phạm vi Ai Cập, số còn lại chuyển đến các nước khác ở Châu Phi.

Dễ dàng nhận thấy, Trung Quốc đang “đánh” vào những lỗ hổng của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, cố gắng “giành được sự yêu thích của các thị trường đang phát triển”, từ đây chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng sẽ suôn sẻ hơn. Tất nhiên, mục tiêu của Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt các nước đang phát triển cho dù đó là các cuộc đàm phán về khí hậu, ứng phó với cuộc khủng hoảng mới, chống lại sự bắt nạt của phương Tây hay các vấn đề quốc tế khác. Đại dịch vi-rút Corona ban đầu là một thảm họa nhưng cuối cùng lại trở thành cơ hội để Trung Quốc vươn lên trên trường quốc tế.

TL