Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm

00:27 19/08/2021

Những năm qua người dân trong xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nhờ cây chè đã mang lại nguồn thu ổn định. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè hơn nữa nơi đây đã cải tạo phương tiện sản xuất nhằm bảo đảm an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, với mục tiêu hướng người dân sản xuất chè an toàn là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Theo thông tin từ ông Ma Doãn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự đồng hành cùng người dân với chính quyền cộng thêm việc phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè; đưa các giống chè giâm cành vào trồng, triển khai các mô hình sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…

Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, người dân tích cực chuyển đổi sang các giống chè chất lượng cao. Sau một thời gian triển khai, đến nay, hầu hết các diện tích chè đã được thay thế bằng những giống chè cành năng suất, chất lượng cao như các giống chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, lai LDP1, LDP2… 

Người dân thôn Hạ Đồng, xã Nhân Lý thu hái chè.

Cùng với đó, các hộ sản xuất chè thành lập Tổ hợp tác chè búp Hạ Đồng. Bà Nguyễn Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè búp Hạ Đồng chia sẻ, trước đây người dân sản xuất chè tự phát sản phẩm lá chè búp tươi bán cho các thương lái nên thu nhập thấp, diện tích bị thu hẹp. Đến năm 2013, được sự giúp đỡ của UBND xã, huyện, Tổ hợp tác chè búp Hạ Đồng được thành lập với 31 thành viên, với định hướng phát triển theo hướng tạo ra sản phẩm an toàn, các thành viên dần loại bỏ phân bón, thuốc hóa học khỏi quy trình chăm sóc chè.

Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Hạ Đồng chia sẻ, gia đình tôi có 1,1 ha chè đã hơn 5 năm tuổi gồm các giống chè lai LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên. Sản xuất chè theo hướng an toàn đem lại nhiều lợi ích, trước mắt là đảm bảo môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người trồng chè. Sản phẩm chè hữu cơ cũng cho chất lượng tốt, đậm vị, hương thơm tự nhiên và giá bán cao hơn so với chè thông thường. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị thu hoạch được 1,2 tấn chè khô, trừ chi phí thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục quảng bá, nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm chè, xã Nhân Lý định hướng đưa sản phẩm chè tham gia Chương trình OCOP. Từ đó xây dựng vùng sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm giữ vững tiêu chí nông thôn mới.  

Vũ Văn Tiến