CEO Nguyễn Ngọc Luận: “ Giải pháp nào nâng tầm giá trị nông sản Việt và không phụ thuộc vào một thị trường?”

23:17 06/06/2022

Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa cùng những đợt giải cứu nông sản đã trở thành đề tài quen thuộc khi được mạng xã hội, báo chí… Nhất là khi Việt Nam trải qua hơn hai năm dịch Covid-19, nông sản Việt càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Vượt qua nhiều trở ngại do thời cuộc, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu với thương hiệu cà phê trái cây Meet More đã lần lượt đưa ra một số giải pháp để giải quyết bài toán nhiều thách thức của nông sản Việt.

Ảnh minh họa
CEO Nguyễn Ngọc Luận. 

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có buổi trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Luận xoay quanh chủ đề: “Giải pháp nào để nâng tầm giá trị nông sản Việt và không phụ thuộc vào một thị trường.”

Chào ông! Sau nhiều năm trăn trở, ấp ủ để khởi sắc cho nông sản Việt, nhất là trước câu chuyện được mùa mất giá được giá thì mất mùa của người nông dân, hiện ông đã có giải pháp nào cho nông sản của Việt Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Luận: Thực ra thì những câu chuyện này đã bắt đầu từ năm 2014. Khi mình đưa các đối tác nước ngoài từ Hàn Quốc và Nhật Bản đi thu mua nguyên liệu ở Việt Nam. Mình cũng thấy được rằng nông sản Việt Nam đang bị phụ thuộc rất nhiều vào một thị trường và mà chưa thể nâng tầm giá trị. Chúng ta đang phải xuất thô rất nhiều, nên rất bị phụ thuộc vào thị trường.

Chính vì chúng ta phụ thuộc vào thị trường, khi họ “hắt hơi sổ mũi” thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo nên dễ dẫn đến tình trạng như bạn nói, được mùa mất giá được giá thì mất mùa.

Thời điểm đó, tôi cũng phát động các doanh nghiệp hãy nghiên cứu sâu sản phẩm từ nông nghiệp, chế biến ra các sản phẩm đặc sắc hơn để phục vụ người tiêu dùng. Và mục đích thứ 2 nữa, là phải tăng giá trị của sản phẩm đó lên. Chỉ bằng cách đó, tăng giá trị nông sản mới có thể xuất sang nhiều thị trường khác, giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường. Chứ không chỉ loanh quanh, luẩn quẩn trong nước hoặc một thị trường nào đó.

Trong nhiều năm nay, từ năm 2016 -2017, chúng tôi đã nghiên cứu ra các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê như Meet More - một loại nước uống cho những người không uống được cà phê vẫn uống được cà phê, như chị em phụ nữ văn phòng. Đó là một thị trường rất lớn mà thị trường này đã sẵn có ở nước ngoài rồi. Tôi nghĩ đây là giải pháp cho các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và đi theo. 

Ảnh minh họa
DN Việt cần nghiên cứu ra các sản phẩm chế biến sâu.

Giải pháp thứ hai nữa, mà chúng tôi vẫn đang thực hiện và đề xuất, ngoài những chính sách hỗ trợ trong nước ra thì Bộ Ngoại giao cùng với Chính phủ cần phải có các giải pháp với Tham tán nước ngoài, Đại sứ quán tại các nước của chúng ta phải kết hợp và truyền thông mạnh hơn nữa. Làm sao mỗi một Đại sứ quán, mỗi Tham tán Thương mại chính là nơi để chúng ta đưa được nông sản đến các nước sở tại. Những đơn vị này có đủ điều kiện, cơ sở để truyền thông cho kiều bào tại nước ngoài biết đến sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Bản thân Meet More, chúng tôi đi đến nước nào cũng làm trực tiếp luôn. Kiều bào mang sản phẩm chúng ta ra các chợ, các siêu thị của Việt Nam để giới thiệu, có các showroom trưng bày. Đây cũng là cách làm hiệu quả cao.

Nhấn mạnh rằng, đây là cách làm của một doanh nghiệp nhỏ. Còn đối với việc để nâng tầm giá trị nông sản Việt, phải có sự kết hợp giữa Bộ Ngoại giao và Tham tán Thương mại ở các nước.

Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta ở nước ngoài cũng phải chung sức, chung lòng truyền thông để người tiêu dùng biết đến sản phẩm. Làm đồng loạt sẽ tạo hiệu quả tốt, các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư chế biến ra các sản phẩm cao cấp chất lượng cao, vừa có lực kéo ở nước ngoài vừa có sức đẩy ở trong nước thì sản phẩm của chúng ta dần dần sẽ có chỗ đứng tại thị trường các nước.

Theo ông, doanh nghiệp muốn ra nước ngoài phải chế biến sâu như thế nào mới có thể mang lại giá trị cao nhất có thể cho nông sản Việt Nam? 

d
Người ngoại quốc chấp nhận bỏ tiền xài những cái gì tốt nhất cho họ. 

Ông Nguyễn Ngọc Luận: Mình nghĩ nó cũng đơn giản thôi chứ cũng không phải là cao siêu gì. Ví dụ, thay vì xuất khẩu thô sản phẩm, chúng ta chế biến các loại nước uống tinh khiết từ trái thanh long, mãng cầu… Chúng ta biết kết hợp lại với nhau thành những loại nước dinh dưỡng như đóng lon, đóng chai, chưng cất thành các loại nước cao cấp để phục vụ thị trường cao cấp. Để làm được chuyện này thì các doanh nghiệp phải đầu tư đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu sản phẩm và thị trường.

Thứ hai nữa là giá cả phải hợp lý. Người Việt Nam mình có ba tiêu chí ngon, bổ, rẻ nhưng sang nước ngoài thì đòi giá cao. Nhưng sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có quảng cáo thì phải dùng nhiều cách để quảng cáo cho họ biết là ngon, bổ rẻ, giá cả hợp lý.

Nghĩa là khâu quảng cáo, truyền thông của các doanh nghiệp chưa mạnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Luận: Đúng rồi, họ chưa có tâm thế sẵn sàng dùng nó vì họ nói sản phẩm này ít được quảng cáo quá, chưa thấy quảng cáo ở đâu hết.

Nói thêm về câu chuyện ngon - bổ -  rẻ. Một bộ phận người dân Việt Nam chúng ta hay đòi sản phẩm phải ngon, bổ, rẻ, tiền thấp sản phẩm chất lượng cao. Đó là một nghịch lý và khó có thể có chuyện đó vì chất lượng sản phẩm đi đôi với giá tiền. Nước ngoài họ không đòi hỏi khắt khe về chuyện này. Họ thấy sản phẩm tốt mà giá cao thì họ vẫn dùng, chấp nhận bỏ tiền xài những cái gì tốt nhất cho họ. 

Quảng cáo, truyền thồng là yếu tố quan trọng để có thể kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng
Quảng cáo, truyền thồng là yếu tố quan trọng để có thể kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. 

Trong mùa dịch, doanh thu doanh nghiệp ông bị ảnh hưởng như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Luận: Ngoài việc phân phối sản phẩm bị ảnh hưởng, công ty bị đóng cửa tới mấy tháng, thiếu nhân sự, không có nguyên liệu, sản xuất ngưng trệ, không lưu thông được hàng hóa mặc dù có đơn hàng, cộng với chi phí vận chuyển vận tải thời điểm đó rất cao. Gần như thị trường trong nước bị tê liệt, các siêu thị, sàn giao dịch bị ngưng trệ, chỉ còn hoạt động một ít trên sàn thương mại điện tử nhưng cũng giảm đi rất nhiều vì việc lưu thông rất khó khăn, gần như tê liệt. Thị trường xuất khẩu cũng chỉ có một vài đơn hàng nhỏ mà lúc đó cũng không có công nhân để làm.

Hiện tại, khi mà đại dịch tạm thời đi qua, ông đã vạch những chiến lược mới hay con đường mới cho doanh nghiệp của mình hay chưa?

Ông Nguyễn Ngọc Luận: Chúng tôi đang đẩy mạnh khâu truyền thông, và quảng bá sản phẩm, tổ chức trưng bày triển lãm ở các trung tâm thương mại không chỉ trong mà còn ngoài nước để đưa thương hiệu Meet More tới gần với người tiêu dùng.

Đặc biệt, thời điểm này công ty cũng cho rằng đã hợp lý để đưa ra đại chúng. Có thể tôi sẽ bán cổ phần cho các nhà đầu tư, các cổ đông có tâm huyết về sản phẩm nông sản ra thị trường.  

Hiện nay chỉ bán nội bộ với giá phát hành là 10.000 đồng cho nhân viên hoặc đối tác chiến lược, thực tế thị trường cổ phần của công ty đang ở giá khoảng 15.000 đồng/cổ phần.

Dự kiến, trong 3 năm nữa, tức 2025 công ty sẽ IPO, và điều quan trọng hơn là chúng tôi mang khát vọng mang thương hiệu Meet More cà phê trái cây nông sản đi khắp nơi trên thế giới.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Mỹ Dung (thực hiện)