Con đường đi đến thành công không trải đầy "hoa hồng"
Chuỗi ngày khởi nghiệp của CEO Nguyễn Trung Dũng kéo dài hơn 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Trong đó, lần 1 ngay sau khi ông tốt nghiệp đại học năm 1989. Ông mở một quán ăn Việt Nam quy mô nhỏ, sau đó nhập khẩu thêm mỳ ăn liền từ Việt Nam để bán cho dân bản địa. Vào thời kỳ đầu những năm 90, ông từng thu về doanh số gần 10 triệu USD/năm nhờ việc bán mỳ.
Năm 1992, ông khởi nghiệp lần thứ 2. Khó khăn trong việc nhập khẩu mỳ từ Việt Nam buộc ông phải nghĩ đến chuyện tự xây dựng nhà máy sản xuất tại Ba Lan với dây chuyền công nghệ hiện đại thời bấy giờ. Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với khó khăn về tài chính do đầu tư quá lớn vào nhà máy này. Sau khoảng thời gian cố gắng bám trụ, ông quyết định bán lại công ty, thương hiệu, nhà máy cho một “đại gia” người Việt ở Ukraina.
Không nản lòng, ông đã khởi nghiệp lần thứ 3 với mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn trong túi nhôm, học theo mô hình của Nhật Bản với nhà cung cấp từ Thái Lan. Sau nhiều lần tổ chức triển lãm, chào hàng, kinh doanh vài lô hàng đầu tiên, sức mua được đánh giá tốt, ổn định. Tuy nhiên, công ty mới chưa đến ngày "hái quả" thì kinh tế toàn cầu 2007-2008 đổ bộ khiến doanh nghiệp non trẻ của ông thất bại. Chưa kể cuộc hôn nhân với người vợ nước ngoài cùng lúc cũng tan vỡ, đẩy ông vào bờ vực sụp đổ.
Năm 2009, ông tình cờ gặp lại một người bạn học thời cấp 3, ông Dũng đã cùng người bạn của mình về Việt Nam vì mong muốn trở về với quê hương của mình. Ông xách vali và lên đường về nước. Lúc này, ông Dũng không có ý định khởi nghiệp nữa mà chỉ muốn một công việc phù hợp để sống được ở Việt Nam.
Khi về Việt Nam, ông làm việc cho công ty sản xuất mì gói. Tuy nhiên, dù ở vị trí quản lý cấp cao thì khác biệt trong cách làm việc, điều hành với cổ đông chính khiến ông không thể tiếp tục làm thuê. Và ông quyết định quay lại với con đường khởi nghiệp, để được tự do kinh doanh theo cách của riêng mình.
Lý do chọn gia vị làm sản phẩm khởi nghiệp và thành công của thương hiệu gia vị Việt
Nhớ lại thời điểm còn ở Ba Lan, ông Dũng cho biết mình từng rất thèm các món ăn, gia vị của Việt Nam. Tuy nhiên, siêu thị tại Ba Lan lúc bấy giờ không bán các loại gia vị đặc trưng của Việt Nam mà chỉ toàn hàng Thái Lan, Nhật Bản. Muốn thưởng thức gia vị nước nhà, ông phải đi xa hàng trăm km đến khu vực cộng đồng người Việt mới có thể mua được.
Khi trở về nước, trong các chuyến công tác, ông nhận thấy mỗi vùng đất quê hương, từ Hà Giang đến Cà Mau, đều có những gia vị đặc trưng riêng của mỗi vùng miền nhưng chưa được bán rộng rãi, chủ yếu vẫn là kinh doanh nhỏ lẻ.
Chính những điều đó đã thôi thúc ông khởi nghiệp lần thứ 4 với thương hiệu Dh Foods. Với số vốn ban đầu 1,2 tỷ, vị CEO thương hiệu Dh Foods không đủ tiền thuê xưởng sản xuất, thuê kho, mua máy móc, mua ô tô tải. Ông quyết định đi tìm đối tác gia công, tuy nhiên, ông đã bị rất nhiều công ty từ chối.
Sau thời gian dài nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng ông cũng tìm được một công ty chịu gia công cho Dh Foods. Cuối năm 2013, may mắn đã mỉm cười với Dh Foods khi Co.op mart và Big C đồng ý cho sản phẩm của Dh Foods lên kệ, mở ra thời kỳ mới cho việc kinh doanh của công ty.
Năm 2016, doanh số của Dh Foods tăng 70% và đó cũng là lần đầu tiên công ty có lợi nhuận.
Giờ đây, ước mơ của ông dần thành hiện thực khi Dh Foods đã sản xuất được rất nhiều sản phẩm gia vị từ các vùng miền Bắc - Trung - Nam như Muối Tôm, Muối Ớt Tây Ninh, Muối Ớt Chanh Nha Trang, gia vị Phở, gia vị Tây Bắc… và tới đầu năm 2021, Dh Foods đã tung gần 40 sản phẩm thuộc dòng Mắm đặc sản miền Tây cùng các loại rau củ ngâm hoàn toàn không dùng bột ngọt.
Các sản phẩm đã phủ sóng tràn ngập ở nhiều siêu thị lớn tại Việt Nam như Co-opmart, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Lotte Mart,… Ngoài thị trường nội địa, ông còn đưa sản phẩm của Dh Foods xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Mỹ, Anh, Đức, Nga...
H.C (t/h)