Cái kết buồn của những thương hiệu thời trang đình đám trong năm 2020 đầy biến động

09:26 14/12/2020

Đại dịch, mất cân đối tài chính và sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng khiến ngành thời trang trải qua một năm đầy sóng gió. Hàng loạt các thương hiệu xa xỉ đều nộp đơn xin phá sản sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Arcadia Group - công ty mẹ sở hữu các thương hiệu thời trang đình đám từng là niềm tự hào của Vương quốc Anh

Tháng 11 vừa qua, Vương quốc Anh đã ghi nhận thương vụ phá sản lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nước này. Đó là trường hợp Arcadia Group - công ty mẹ sở hữu các thương hiệu thời trang đình đám như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins - thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản giữa bối cảnh doanh thu liên tục lao dốc vì đại dịch.  

Công ty mẹ thương hiệu thời trang Topshop đã không thể trụ vững trước dịch Covid-19.

Với diễn biến này, Arcadia trở thành cái tên tiếp theo trong chuỗi dài các cửa hàng bán lẻ nổi tiếng một thời của Vương quốc Anh - như BHS, Banana Republic, Barratts, JJB Sports, Comet, C&A, Dixons, Debenhams… - “gục ngã” trước những điều kiện kinh doanh khắc nghiệt tại “xứ sở sương mù”.

Trước đó, Arcadia hiện đang có khoảng 13.000 công nhân, điều hành 422 cửa hàng ở Anh và 22 cửa hàng ở nước ngoài. Con số này khá khiêm tốn so với mức hơn 2.000 cửa hàng hoạt động trên toàn cầu vào thời điểm năm 2004, khi chủ sở hữu hiện tại của Arcadia Group là Philip Green bắt đầu tiếp quản công ty. Các thương hiệu của Arcadia bao gồm nhiều chuỗi bán lẻ “sừng sỏ” như Topshop, Topman, Dorothy Perkins và Burton. Trong khi các thủ tục phá sản được tiến hành, những thương hiệu này vẫn sẽ tiếp tục được vận hành cửa hàng và trang thương mại điện tử của họ.

"Đây là ngày cực kỳ buồn với tất cả đồng nghiệp, nhà cung cấp và các bên liên quan khác của chúng tôi. COVID-19 đã buộc nhiều cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của tất cả các thương hiệu", Ian Grabiner - CEO of Arcadia cho biết trong một thông báo.

Từ hàng loạt các thương hiệu đình đám tại Mỹ...

Brooks Brothers, thương hiệu may mặc cổ điển nhất của Mỹ dành cho nam giới thông báo phá sản vào đầu tháng 7 vừa rồi. Trong suốt lịch sử 202 năm, thương hiệu là sự lựa chọn của các ngôi sao như Will Smith hay Andy Wahol, cung cấp trang phục cho hàng chục bộ phim và chương trình truyền hình hay các vị tổng thống, bao gồm cả Abraham Lincoln và Barack Obama.

Brooks Brothers từng là thương hiệu may mặc cổ điển nhất của Mỹ dành cho nam giới.

Hiện tại, thương hiệu thuộc sở hữu bởi doanh nhân Italia Claudio Del Vecchio, con trai của tỷ phú ngành kính mắt Leonardo Del Vecchio. Việc kinh doanh của Brooks Brothers trước Covid-19 đã không được thuận lợi, bị ảnh hưởng bởi xu hướng ăn mặc ít trang trọng hơn và càng trở nên trầm trọng hơn dưới thời đại của sự cách ly và Zoom.

Chi nhánh tại Mỹ của nhà bán lẻ Nhật Bản Muji tuyên bố phá sản và đóng cửa một số lượng nhỏ các địa điểm từ giữa năm nay. Lucky Brand cũng góp mặt trong danh sách các chuỗi thời trang rời khỏi thị trường do ảnh hưởng của đại dịch. Trong thông cáo giữa năm nay, hãng này giải thích Covid-19 đã "ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng trên tất cả các kênh". Lucky Brand ngay lập tức đóng cửa 13 trong số khoảng 200 cửa hàng tại Bắc Mỹ, chủ yếu là ở các trung tâm thương mại. Tháng 8, thương hiệu này bán mình cho SPARC Group, chủ sở hữu của Nautica và Aéropostale.

Cửa hàng của Lord & Taylor tại New York năm 2018. Ảnh: AFP/Getty Images
Cửa hàng của Lord & Taylor tại New York năm 2018. Ảnh: AFP/Getty Images.

RTW Retailwinds, công ty sở hữu chuỗi gần 400 cửa hàng New York&Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ, cũng nộp đơn xin phá sản vào giữa tháng 7, đổ lỗi cho sự thay đổi của môi trường bán lẻ, cùng tác động của đại dịch đã gây ra "khó khăn tài chính đáng kể". Lord & Taylor, nhà bán lẻ cao cấp với lịch sử gần 200 năm, cũng đệ đơn xin phá sản chỉ một năm sau khi được mua lại với giá 75 triệu USD.

Tất cả các cửa hàng của Century 21 đã phải đóng cửa. Ảnh: Century 21.
Tất cả các cửa hàng của Century 21 đã phải đóng cửa. Ảnh: Century 21.

Một cái tên khác là Century 21. Quá khứ huy hoàng của thương hiệu được yêu thích nhất nhì New York không thể cứu nổi hiện tại ảm đạm do Covid-19 gây ra. Chuỗi này đã nộp đơn phá sản vào tháng 9 do khúc mắc về bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Thương hiệu này đáng ra được nhận đến 175 triệu USD để bù đắp cho doanh số bị ảnh hưởng vì đại dịch. Nhưng do không có được khoản đền bù này, 13 cửa hàng với 1.400 nhân viên phải dừng hoạt động.

Sies Marian, thương hiệu yêu thích của Beyoncé và Jenifer Lopez, đóng cửa vào hồi tháng 6 sau 5 năm hoạt động. Thuộc sở hữu của nhà thiết kế Hà Lan Sander Lak, cựu Giám đốc thiết kế của Dries Van Noten, thương hiệu được biết đến với những trang phục mang màu sắc táo bạo.

Centric Brands Inc., nộp đơn phá sản vào tháng 5, sẽ tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của một công ty cổ phần tư nhân khác. Gần đây, Centric Brands mua lại Zac Posen, tạo ra các sản phẩm có giấy phép cho hơn 100 thương hiệu, bao gồm Tommy Hilfiger, Under Armour, Calvin Klein, Nautica, Kate Spade, Frye, Jessica Simpson, Timberland, Hervé Léger and Michael Kors.

...cho đến cả những thương hiệu thời trang châu Á

Tokyo’s Renown, sở hữu hai thương hiệu con là D’Urban and Arnold Palmer, đã bị thanh lý vào tháng 11. Công ty tiến hành thủ tục phá sản vào tháng 5, nhưng không thể xoay chuyển tình hình, tuyên bố khoản nợ ngân hàng 13,9 tỷ yên (133 triệu USD).

Phần lớn thuộc sở hữu bởi của Shandong Ruyi Trung Quốc, một công ty sở hữu cả Bally, Aquascutum và SMCP, đồng thời là nhà sản xuất dệt may lớn nhất Trung Quốc, Renown đã vật lộn trong thời gian dài do không thể đáp ứng nhu cầu về thương mại điện tử cũng như thị trường Trung Quốc, ghi nhận mức tổn thất doanh thu 6.7 tỷ yên (65 triệu USD) vào năm ngoái.

 

Bảo Bảo