Mạng lưới kết nối phong phú giữa các nhà sáng lập, công ty đầu tư mạo hiểm và tài năng công nghệ là những thành phần chính thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Các cụm công nghệ này được ví như động lực tăng trưởng, đang phát triển rộng khắp toàn cầu. Mặc dù các thành phố khởi nghiệp hàng đầu thế giới chủ yếu tập trung ở Mỹ, tuy nhiên các hệ sinh thái khác như Bắc Kinh (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) cũng ngày càng nổi bật hơn khi các quốc gia tập trung vào tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới.
Dưới đây là đồ họa hiển thị các thành phố khởi nghiệp tốt nhất trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Pitchbook:
Yếu tố để xác định thứ hạng mỗi thành phố được phân tích dựa trên quy mô và mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp trong sáu năm, từ quý II/2018 đến quý II/2023. Những tiêu chí như: Mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp, số thương vụ đầu tư mạo hiểm và số vốn huy động được là những yếu tố được sử dụng để tính điểm phát triển tổng thể.
Bằng công thức trên, San Francisco trở thành thành phố dẫn đầu với số vốn huy động được là 427,6 tỷ USD, tính trong 6 năm vừa qua. Dù môi trường tài trợ gặp nhiều thách thức, gần 20.000 giao dịch đã được hoàn tất, nhấn mạnh vai trò quan trọng của San Francisco trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ. Cả OpenAI và đối thủ Anthropic đều đặt trụ sở chính tại đây nhờ vào nguồn nhân tài công nghệ phong phú và các công ty đầu tư mạo hiểm. Tính đến năm 2023, có 11.812 công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Khu vực Vịnh San Francisco, chiếm khoảng 20% tổng số công ty khởi nghiệp ở Mỹ.
Xếp ngay sau San Francisco là Thành phố New York, với số vốn huy động được là 179,9 tỷ USD, tính trong cùng giai đoạn. Gemini và Công ty máy học Hugging Face là hai ví dụ điển hình về các công ty khởi nghiệp tại đây.
Nằm ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạnh là Bắc Kinh - quê hương của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, một trong những công ty tư nhân giá trị nhất thế giới. Trong những năm gần đây, phần lớn nguồn tài trợ khởi nghiệp ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi các quỹ hỗ trợ từ chính phủ. Đặc biệt, các quỹ này tập trung vào “công nghệ cứng” như sản xuất chất bán dẫn và xe điện, phù hợp với các mục tiêu chiến lược dài hạn của quốc gia.
Bên cạnh đó, Singapore cũng được coi là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu, với mức đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người cao nhất thế giới. Năm 2023, con số này đạt 1.060 USD/người. So với Mỹ, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người là 345 USD, đứng thứ hai toàn cầu.
H.C (t/h)