Các nhà máy Trung Quốc hoãn đơn hàng do chi phí tăng, gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu

08:56 04/06/2021

Các nhà máy Trung Quốc hoãn đơn đặt hàng mới do chi phí tăng cao khiến nguồn cung toàn cầu đối mặt với nguy cơ thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đang từ chối nhận đơn đặt hàng mới và thậm chí xem xét tạm ngừng hoạt động. Những động thái này có thể dẫn đến áp lực lớn hơn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp tục kích thích lạm phát.

Giá nguyên liệu thô tăng vọt và tình trạng thiếu lao động đã khiến một số nhà sản xuất nhỏ hơn của Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử bởi nhiều công ty trong số này bán sản phẩm cho các thị trường phương Tây. Các bên đang tìm kiếm giải pháp để tránh thua lỗ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Vào giữa tháng này, một nhà sản xuất thiết bị thông gió nhà bếp ở thành phố Trung Sơn đã thông báo tạm ngừng nhận các đơn đặt hàng mới trước khi thỏa thuận giá cả với bên cung cấp nguyên vật liệu. Kể từ tháng trước, công ty này đã thua lỗ bởi một phần do giá kim loại, thủy tinh và thiết bị mạch tăng mạnh. Xing Jialiang, chủ một nhà máy kính trong thành phố cũng cho biết ông mặc dù công ty đã tăng giá khoảng 5% trong năm nay nhưng không thể bù lại với chi phí tăng gấp đôi là 10%. Theo quan điểm của Xing, thực tế này có liên quan đến việc Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất tại một số nhà máy gây ô nhiễm cao.

Các nhà sản xuất hy vọng có thể hoãn đơn đặt hàng hoặc sản xuất chậm lại cho đến khi giá hàng hóa trở lại bình thường hoặc nhu cầu hàng tiêu dùng toàn cầu giảm xuống. Trong bối cảnh người tiêu dùng phương Tây chi tiêu các khoản cứu trợ và tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời kỳ đại dịch, đơn đặt hàng từ xe đạp đến máy tính xách tay tăng vọt. Nếu giá nguyên liệu thô tiếp tục tăng hoặc nhu cầu của phương Tây không hạ nhiệt, việc hạn chế sản xuất của các nhà máy sẽ chỉ dẫn đến tình trạng thiếu hàng nghiêm trọng hơn. Nhà kinh tế Ding Shuang của Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải tạm ngừng sản xuất hoặc chuyển áp lực sang người tiêu dùng. Cuối cùng, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ có thể chịu áp lực lạm phát lớn hơn”.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ quan ngại trước tình trạng này bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau dịch bệnh dựa vào ngành sản xuất trong nước. Nếu các nhà sản xuất tiếp tục đấu tranh để kiếm lợi nhuận sẽ dẫn đến tốc độ phục hồi chậm và lạm phát trong nước tăng lên. Gần đây, các quan chức Trung Quốc đã liên tục đưa ra các cảnh báo, bao gồm cả việc yêu cầu các công ty hàng đầu trong ngành không thao túng thị trường và tích trữ.

Một vấn đề khác mà nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đối mặt do không thể tuyển dụng đủ công nhân để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng đột biến trên toàn cầu. Người phụ trách Hiệp hội giày dép châu Á Đông Quan cho biết, năm nay nhiều nhà máy giày trong khu vực báo cáo lượng đơn hàng tăng đột biến nhưng rất khó tuyển đủ lao động bởi “nhiều người trẻ hiện nay thà làm nhân viên giao hàng còn hơn làm công nhân nhà máy”.

TL