Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, bằng 39,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thu về gần 200 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2021.
Kết quả tăng trưởng cao này theo Vinatex là nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt, cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh rất tích cực.
Ngoài ra, đầu năm 2022, các đơn vị may trong Tập đoàn đều có kết quả sản xuất kinh doanh khả quan, nhờ lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quí 3-2022.
Với kết quả kinh doanh khả quan của quí 1, hiện ngành sợi đã hoàn thành được 63% kế hoạch năm. Với ngành may, thị trường được đánh giá tương đối tốt, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại đặt hàng với đơn hàng dài, số lượng lớn.
Theo thống kê, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 – 1,5 lần, có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quí 1 của Tổng công ty Việt Tiến tăng 10%, Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai tăng 100%, Tổng công ty miền Nam có doanh thu tăng 100%, lao động tăng hơn 400 người; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinatex tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái…
Theo các doanh nghiệp trong ngành, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng thực hiện đến quí 3 và khả năng năm 2022 này sẽ tăng trưởng cao.
Còn theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, trong quí 1-2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỉ đô la, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ đô la. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
P.V