
Bức tranh FDI 5 tháng đầu năm 2023: Đã có sự cải thiện tích cực
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 962 dự án FDI mới, tăng 66,4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% về số vốn so với cùng thời điểm năm 2022.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có báo cáo về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.
Trong khi vốn đầu tư điều chỉnh giảm, thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, có 962 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% về số dự án và tăng 27,8% về số vốn.
Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ).Có 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 18/21 ngành kinh tế quốc dân nhận vốn đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì sức hút, dẫn đầu với hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng. Dẫn đầu là Singapore với hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ. Bắc Giang xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
T.H
Cùng chuyên mục


Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tạo ấn tượng tại Hội chợ nguồn cung Toronto 2023

Mạng lưới Cựu du học sinh EU tại Việt Nam – một năm kết nối và phát triển

Quảng Nam: Hơn 80 gian hàng được trưng bày tại ngày hội sản phẩm miền núi huyện Tiên Phước

Hải Phòng: Khai mạc Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Bình Dương đẩy mạnh phát triển và xuất khẩu nông sản
-
TS. Cấn Văn Lực: Thị trường bất động sản đang “khủng hoảng niềm tin”
-
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trên thị trường hàng hóa?
-
TS. Nguyễn Văn Đính: “Sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang bị suy yếu”
-
TS. Sử Ngọc Khương: Hạ tầng giúp TP.HCM tăng cường kết nối vùng đầu tư
-
Thứ cần nhất hiện nay là niềm tin của doanh nghiệp...