Bình Dương xuất siêu đạt gần 3,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021

23:47 04/07/2021

6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XNK của Bình Dương đạt gần 30 tỷ 340 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 17 tỷ 100 triệu USD, xuất siêu đạt hơn 3 tỷ 750 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,43 tỷ USD, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 2,33 tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) trên cả nước, trong đó có Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, với việc tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Bình Dương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, hoạt động XNK của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020. 

   6 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương đạt hơn 3,58 tỷ USD.

Hiện hàng hóa của Bình Dương XK chủ yếu sang một số thị trường truyền thống như: Mỹ đạt hơn 5,95 tỷ USD, chiếm 34,8% kim ngạch XK và tăng 46,1% so với cùng kỳ, cũng thị trường XK chiếm tỷ lệ cao nhất của Bình Dương. Tiếp đó là Hàn Quốc đạt gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,2% và tăng 39,7%; EU đạt hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 10,1% và tăng 35,3%; Nhật Bản đạt gần 1,58 tỷ USD chiếm 9,2% và tăng 24,9%...

Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng XK của Bình Dương đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình như kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2021 của ngành gỗ đạt hơn 3,58 tỷ USD, tăng 60,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch XK của cả tỉnh. Trong khi đó, kim ngạch XK dệt may đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch XK giày dép đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kim ngạch XK máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 667 triệu USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ…

Nhằm duy trì mức tăng trưởng kim ngạch XK ngay từ đầu năm, các DN Bình Dương đã có phương án khắc phục khó khăn, nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng. Đồng thời, chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Mặc khác, ngành gỗ, dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ khi một số thị trường XK chính dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thực thi.

Để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu cho DN, ông Nguyễn Hoàng Thao - Chủ tịch UBND Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ DN khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA tìm giải pháp phát triển thị trường. Đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy XK các mặt hàng của tỉnh.

Theo đá giá của Sở Công Thương Bình Dương, hiện các nước châu Âu và Mỹ đang nới lỏng hạn chế kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa biên giới, nhu cầu hàng hóa đang hồi phục trở lại trên thị trường thế giới, đây chính là cơ hội để các DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh. Song song đó, các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa XK của Bình Dương thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành Công Thương Bình Dương tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hội chợ trực tuyến cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quy tắc xuất xứ trong các FTA để giúp các DN nắm bắt kịp thời, cập nhật những quy định mới, tận dụng được hiệu quả từ các cơ hội do FTA thế hệ mới mang lại.

Dự báo tình hình XK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của các nền kinh tế, các FTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Việc tận dụng cơ hội mà TMĐT toàn cầu đem tới, sẽ giúp các DN Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Song để hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự tiếp sức kịp thời của các cấp ngành, điều quan trọng là các DN phải thực sự chủ động vào cuộc, mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, đặc biệt là thích ứng với các FTA thế hệ mới.

PV