Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn 4% số HSSV chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên (Tiểu học: 97,11%, THCS: 97,49%, THPT: 96,98%, trường GDTX là 92,27%, các trường trung cấp là 97,38%). Tỷ lệ học sinh, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng có thẻ BHYT là 91,62%, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự giảm đi đáng kể trong khối này.
Năm học 2018-2019, bên cạnh những chuyển biến tích cực đạt gần 96% HSSV tham gia BHYT, tăng 3% so với năm học 2017-2018 trong đó một số quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV cao như Long Biên (99,09%); Hoàn Kiếm (99%); Tây Hồ (98,49%); Nam Từ Liêm (98,49%)... Tuy vậy, công tác BHYT HSSV trên địa bàn Thủ đô cũng còn không ít những khó khăn, thách thức. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT chưa đạt 100% là do tỷ lệ tham gia BHYT không đồng đều tại một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT; tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.
Chuẩn bị bước vào đầu năm học mới, với quyết tâm đạt chỉ tiêu 100% HSSV trên địa bàn tham gia BHYT, BHXH TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3049/BHXH-QLT hướng dẫn BHXH các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2019-2020.
Theo đó, BHXH Thành phố giao trách nhiệm cho BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cho Quận, huyện ủy, UBND quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT học sinh sinh viên phấn đấu 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT và coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phổ biến, triển khai thực hiện hướng dẫn BHYT học sinh sinh viên theo đúng quy định của Luật BHYT.
Nhằm giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học mới, BHXH TP. Hà Nội yêu cầu, phương thức thu phí BHYT phải linh hoạt (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng). Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Năm học 2019 - 2020, BHXH Hà Nội phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT (Ảnh minh họa).
Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV những tháng còn lại của năm 2019, thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019 để gia hạn thẻ năm sau. Thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT.
Thẻ BHYT được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 1/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học; đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
Thẻ BHYT được cấp hằng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó đối với HSSV năm thứ nhất của khóa học thì Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; đối với HSSV năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Để hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào cuối năm học 2019 -2020, BHXH Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện BHYT HSSV, phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện giải pháp giao chỉ tiêu tỉ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỉ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, phấn đấu đến hết năm học 2019-2020 và các năm tiếp theo đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH TP. Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT và các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV và các bậc phụ huynh. Phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trực quan, phát hành ấn phẩm tại các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức Đoàn, Hội, góp phần làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết của sinh viên về tính ưu việt của chính sách BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trên địa bàn thực hiện các tin, bài, phóng sự, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về BHYT HSSV, chú trọng vào tính nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; việc thực hiện BHYT là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thảo Trang