Theo Vietnam Report, đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành nghề và đời sống xã hội trên toàn thế giới, tác động hỗn hợp, cả tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp bao bì với sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, và bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp có xu hướng giảm.
Xét trên khía cạnh chất liệu làm bao bì, đại dịch Covid-19 cũng có tác động trái chiều với hai chất liệu chính là giấy và nhựa. Các doanh nghiệp bao bì nhựa và bao bì giấy đều gặp những khó khăn chung. Kết quả nghiên cứu từ khảo sát doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì của Vietnam Report đã chỉ ra 4 khó khăn, đó là: Đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh (83,33%); Khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới (83,33%); Không triển khai được kế hoạch bán hàng (66,67%); Đảm bảo an toàn nơi làm việc (50%).
Ông Trần Minh Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa TKT Việt Nam cho biết: Giống như trong nhiều ngành công nghiệp khác, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực bao bì do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, thiếu nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu. Nhóm ngành bao bì giấy bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động kép, vừa thiếu nguyên liệu sản xuất lại vừa khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm khi nhiều ngành nghề khác sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giảm lượng hàng tiêu thụ do đó nhu cầu thị trường giảm xuống nhất là đối với loại bao bì thùng carton.
Covid-19 tạo nhiều rắc rối cho doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch, nguồn nguyên vật liệu, vận chuyển. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa sản xuất, vừa chống dịch, triển khai phương án “3 tại chỗ”. Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công ty gặp không ít khó khăn và đặc biệt là chi phí phát sinh cao.
Thế nhưng, với phương châm duy trì chấp nhận lỗ còn hơn là đóng cửa, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo sau khi hết dịch vẫn có nguồn nhân lực và sản phẩm cung ứng duy trì thị trường cho khách hàng, Ban giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa TKT Việt Nam và công nhân lao động đã quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn này.
Từ những ngày mới bắt đầu bùng phát dịch Ban lãnh đạo công ty đã phản ứng nhanh chóng và đưa ra những chỉ đạo thiết thực. Vừa cổ động tinh thần cán bộ công nhân viên thông qua các hành động thực tế thực hiện 5K trong phòng chống dịch. Công ty cổ phần bao bì nhựa TKT Việt Nam đã cố gắng với tất cả khả năng của mình, trích tất cả các nguồn quỹ có thể của công đoàn, ngân sách phòng bị để đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân, cũng như hỗ trợ gia đình công nhân; tăng cường xét nghiệm Covid-19. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt, công ty đảm bảo tiêu chuẩn, sức khỏe, dinh dưỡng và chế độ làm việc cho công nhân.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã đánh giá tiềm năng nhu cầu thị trường trong tương lai và các động thái chiến lược tập trung vào khách hàng, tìm hiểu tác động của Covid-19 đến sự lựa chọn bao bì của người tiêu dùng như yêu cầu vệ sinh, an toàn, thương mại điện tử, những lo ngại về ô nhiễm môi trường, bởi đây là một trong những yếu tố chủ chốt giúp doanh nghiệp ngành bao bì vượt qua cuộc khủng hoảng, định vị thương hiệu trên thị trường. Công ty tập trung tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro; tăng cường số hóa các hoạt động của doanh nghiệp; cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với mô hình thương mại điện tử; cắt giảm chi phí;...
Cũng cũng giống như tất cả các công ty bao bì nhựa công ty đã thích ứng để đối phó với đại dịch toàn cầu và trong đó có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Công ty đã phải tìm kiếm các phương án dự phòng và hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng và các lỗ hổng của chúng, tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro về tài chính và đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu.
Với bài toán nguồn nguyên liệu và phân phối, nhu cầu về bao bì là rất lớn đặc biệt những thị trường đông dân cư hay có nền kinh tế phát triển: Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu… Chính vì thế khi Covid – 19 diễn ra trên toàn cầu các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc kênh phân phối bị đẩy đi chậm, thời gian chờ hàng sẽ lâu hơn. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn không thể vận chuyển và xuất bán ra nước ngoài được. Cũng tương tự như vậy với thị trường trong nước, ở nhiều khu vực thuộc tâm dịch và đang bị giãn cách việc vận chuyển, phân phối sẽ gặp khó khăn. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng bán hàng cũng như khả năng luân chuyển, thu hồi vốn cho các doanh nghiệp sản xuất. Đối mặt với tình hình đó, Công ty cổ phần bao bì nhựa TKT Việt Nam đã chấp nhận mua nguồn nguyên liệu nội địa dù khá cao để duy trì sản xuất, linh hoạt thay đổi sản phẩm để phù hợp với nguyên liệu và thị trường. Bên cạnh đó, công ty đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng nếu như trước công ty chủ yếu vận chuyển qua cảng TP. Hồ Chí Minh thì bây giờ công ty chấp nhận chia đều về nhiều cảng khác mặc dù chi phí phát sinh cao.
Với tình hình đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết như hiện nay, ông Trần Minh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa TKT Việt Nam mong muốn Chính phủ và chính quyền địa phương có những chính sách thiết thực đi vào sâu vào thực tế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như các chính sách về thuế, vốn hỗ trợ doanh nghiệp…
Gia An