Nếu không kịp thời nắm bắt, các doanh nghiệp chắc hẳn gặp khó khăn trước mắt và lâu dài, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi thế, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thương mại đã trở thành chủ trương lớn của Chính phủ, được cụ thể hóa qua Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”. Ở tỉnh An Giang, để triển khai đề án hiệu quả, các ngành, các cấp đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi, địa phương xác định đây là yếu tố quan trọng trong hoạt động thương mại hiện nay và thời gian tới.
Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp An Giang đã chủ động tham gia thương mại điện tử qua các nền tảng như Shopee, Lazada, Sendo, Facebook, Zalo, TikTok… nhưng phần lớn còn mang tính tự phát, chưa triển khai bài bản, hiệu quả mang lại còn hạn chế. Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh ở nông thôn, việc tiếp cận với quy trình vận hành của thương mại điện tử còn khó khăn, có thể gây nản lòng.
Do đó thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã phối hợp với các sở ngành như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới… tổ chức nhiều lớp tập huấn về thương mại điện tử. Tại đây, các doanh nghiệp được chuyên gia của các nền tảng nói trên hướng dẫn về cách thức mở gian hàng, quy trình vận hành và quản lý gian hàng, hình thức vận chuyển và thanh toán, liên kết nhãn hàng, livestream bán hàng…
Thực hiện vai trò đàm phán với các đối tác, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã hợp tác với sàn thương mại điện tử Shopee hỗ trợ 19 doanh nghiệp mở gian hàng, đồng thời tổ chức tập huấn để doanh nghiệp đưa sản phẩm lên kinh doanh trực tuyến. Kết quả, các sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến, lựa chọn và tin tưởng.
Đặc biệt vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp TikTok Việt Nam tổ chức chương trình Chợ phiên OCOP An Giang năm 2024 trên nền tảng TikTok. Chương trình nhằm quảng bá sâu rộng cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh qua hình thức livestream bán hàng. Tại đây, 12 nhà sáng tạo nội dung (creator) nổi tiếng trên TikTok đã giới thiệu khoảng 100 sản phẩm đến từ 22 doanh nghiệp An Giang đến người tiêu dùng cả nước.
Kết quả trong bốn giờ, phiên livestream thu hút 31,6 ngàn lượt tiếp cận, đón nhận 17,8 đơn hàng, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều phấn khởi với những con số ấn tượng nói trên. Cần nói thêm, Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok là chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát động. Trước khi đến An Giang, chương trình đã đi qua hơn 38 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Song, phiên livestream ở An Giang đã xác lập kỷ lục chưa từng có ở bất kỳ phiên livestream nào trước đó.
Song song đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã phối hợp với TikTok Việt Nam và các nhà sáng tạo nội dung thực hiện các đoạn phim ngắn quảng bá du lịch, đặc sản, ẩm thực… mang lại hiệu ứng tích cực. Các khu điểm du lịch, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương… được nhiều người biết đến hơn, doanh số bán hàng tăng vọt. Đây là tiền đề góp phần mở rộng kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Có thể đánh giá, đó là những kết quả khả quan bước đầu của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại ở tỉnh. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn dài và lắm gian nan, đòi hỏi tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Bởi thế thời gian tới, các sở ngành có liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại theo chủ trương của Chính phủ.
Riêng đối với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy vai trò đàm phán với các đối tác, để hỗ trợ cho doanh nghiệp An Giang tham gia vào các sàn giao dịch nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, công việc hết sức quan trọng là nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp thông qua các lớp tập huấn, nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ giải pháp, đào nguồn nhân lực…
Tuy vậy, vai trò then chốt trong chuyển đổi số vẫn thuộc về doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, thay đổi nhận thức và hành vi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng số, tiếp cận nhanh chóng và ứng dụng hiệu quả các phương thức bán hàng đa phương tiện, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, tăng cường quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội…
Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần tăng độ tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Với định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại ở tỉnh An Giang sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới.
Lê Trung Hiếu (Theo Cổng TTĐT AG)