Chính phủ Ấn Độ quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu đối với vàng bạc từ 15% xuống còn 6%, như một nỗ lực nhằm thúc đẩy doanh số bán lẻ đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu tại thị trường tiêu thụ vàng thỏi lớn thứ hai trên thế giới này.
Trong bài phát biểu vào ngày 23/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: “Để nâng cao giá trị của đồ trang sức bằng vàng và kim loại quý trong nước, tôi đề xuất giảm thuế hải quan đối với vàng và bạc xuống 6%, bạch kim xuống còn 6,4%”. Bà cũng tuyên bố miễn thuế nhập khẩu đối với 25 khoáng sản quan trọng, bao gồm cả lithium. Ấn Độ đang tìm cách đảm bảo nguồn cung lithium, vốn là nguyên liệu thô quan trọng dùng để sản xuất pin xe điện.
Sau bài phát biểu của bà Sitharaman, giá cổ phiếu của nhiều công ty vàng bạc đá quý tại Ấn Độ đã tăng đáng kể. Cụ thể, cổ phiếu của Công ty Senco Gold đã tăng lên 6,16%, đạt mức 1.000,8 rupee (tương đương khoảng 12 đô-la Mỹ) cho một cổ phiếu; Công ty Titan tăng 3,66%, đạt mức 3.371,65 rupee (tương đương 40 đô-la Mỹ) cho một cổ phiếu… Mahendra Luniya, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Vighnaharta Gold, cũng nhấn mạnh tác động tức thời của việc cắt giảm thuế. Ông cho biết: "Việc giảm thuế hải quan đã nhanh chóng tác động đến thị trường. Mặc dù đây là động thái tích cực đối với các nhà đầu tư tuy nhiên căng thẳng địa chính trị, ví dụ trong trường hợp Trung Quốc có động thái, vẫn có thể tác động đến giá vàng. Đối với người tiêu dùng, việc giảm giá hiện nay là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc đầu tư, đặc biệt là vào các lựa chọn số hóa như Trái phiếu Chính phủ đối với Vàng, mang lại chi phí thấp hơn và cho lãi suất hàng năm là 2,5%”.
Nhu cầu về vàng tại Ấn Độ tăng cao có thể thúc đẩy giá vàng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, mặc dù điều này có thể làm tăng thâm hụt thương mại của Ấn Độ và gây áp lực lên đồng rupee đang suy yếu. Tuy nhiên nhìn chung, việc giảm thuế hải quan dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và ngành công nghiệp vàng thỏi tại Ấn Độ. Điều này có thể thúc đẩy chi tiêu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này, ngay cả khi các yếu tố kinh tế và địa chính trị rộng hơn tiếp tục đóng vai trò định hình các điều kiện thị trường.
Tình trạng buôn lậu vàng đầy nhức nhối tại Ấn Độ
Khi thuế nhập khẩu vàng tại Ấn Độ cao và nhu cầu trong nước ngày càng tăng, tình trạng buôn lậu vàng tại Ấn Độ trở nên phức tạp chưa từng có.
Tại khu vực phía Đông Ladakh dọc theo biên giới Trung Quốc, Hải quan và Tổng cục Tình báo Doanh thu (DRI) đã phát hiện 108 ki-lô-gram vàng được đưa trái phép vào Ấn Độ trong tháng Bảy này. Theo điều tra cho biết, những khối vàng này gồm vàng của 17 hãng khác nhau đến từ Thụy Sĩ, Hồng Kông, Dubai và một vài quốc gia châu Âu khác. Những khối vàng này được thu thập ở Trung Quốc, sau đó được tuồn vào Ấn Độ qua một con đường núi. Các nhà chức trách tại đây cho rằng, con đường này đã phải được sử dụng ít nhất hai lần trước khi bị phát hiện.
Ngoài những đường dây tuồn vàng qua biên giới theo đường bộ trên, việc sử dụng người nước ngoài và các tiếp viên hàng không để vận chuyển vàng vào Ấn Độ cũng là một bài toán nan giải khiến các nhà chức trách đau đầu.
Lúc trước, những người Ấn Độ có thu nhập thấp thường được sử dụng làm người vận chuyển vàng vì họ chỉ cần ít tiền hoa hồng và được tài trợ vé máy bay, tuy nhiên sau khi các cơ quan chức năng tại Ấn Độ phát hiện ra điều này, những kẻ chủ mưu đã chuyển sang mượn tay những người nước ngoài và những người có trình độ học vấn cao. Trong đa số các trường hợp, người vận chuyển vàng và người nhận vàng không bao giờ gặp mặt nhau. Những người vận chuyển sẽ báo cho người nhận vàng biết mình đang tới Ấn Độ thông qua đăng bài một cách khéo léo lên Instagram của mình. Sau khi hạ cánh, họ sẽ gửi địa điểm cuối cùng (có thể là quán cà phê nào đó hoặc tại sân bay), cho phép người nhận đến đó tìm và nhận lô hàng.
Bên cạnh những đường dây buôn lậu vàng lớn được tìm thấy như trên, phía Hải quan Ấn Độ còn cho biết, nhiều cách thức giấu vàng tinh vi khác cũng được thực hiện như giấu vàng trong bỉm trẻ em, trong băng vệ sinh và các bộ phận để lắp vào vali kéo.
Hoạt động buôn lậu vàng tại Ấn Độ không phải mới xảy ra. Trước năm 1991, Đạo luật (về kiểm soát) vàng của quốc gia này cấm sở hữu vàng dưới dạng thỏi và đồng xu, điều này đã thúc đẩy hoạt động buôn lậu của các băng đảng có tổ chức. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này đã sinh ra hiện tượng Dawood Ibrahim (một trùm xã hội đen khét tiếng từng thực hiện một loạt vụ đánh bom tại Mumbai vào năm 1993) và hình thành những kẻ buôn lậu ở Bombay những năm 1970. Hoạt động buôn lậu vàng đã giúp các tổ chức xã hội đen ở Mumbai thu được lợi nhuận đáng kể, từ đó tài trợ cho các hoạt động khác nhau của chúng. Chỉ đến khi Ấn Độ hợp pháp hóa việc nhập khẩu vàng vào năm 1992, tình trạng trên mới tạm thời chấm dứt.
Hạ Vũ