Từ hệ sinh thái chịu nhiều áp lực, du lịch Đông Nam Á sẽ rất khác biệt hậu COVID-19?

00:00 12/10/2020

Giới chuyên gia nhận định, du lịch Đông Nam Á cần phải tận dụng được cả thách thức và cơ hội đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Năm ngoái, những bờ biển cát trắng, các đền chùa cổ kính và cuộc sống thiên nhiên đa dạng tại Đông Nam Á đã thu hút hơn 113 triệu du khách đến từ khắp thế giới. Tại một số nơi, sức ép du lịch đã khiến dân cư địa phương, các nhà môi trường học và chính quyền e ngại rằng hệ sinh thái mỏng manh của khu vực đang chạm tới điểm đổ vỡ.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đẩy thế giới vào tình trạng phong tỏa, di chuyển quốc tế bị giảm mạnh và du lịch hầu như "đóng băng". Khi các hạn chế dần được dỡ bỏ và các chính phủ bắt đầu tìm cách tái thiết nền kinh tế hậu dịch bệnh, những nước dựa nhiều vào ngành du lịch chắc chắn sẽ phải cạnh tranh mạnh với nhau. Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, "khoảng lặng" hiện tại đối với du lịch đã đem lại cho các quốc gia một cơ hội để cải tạo ngành du lịch theo một cách nào đó có thể đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được hành tinh.

Từ hệ sinh thái gần sụp đổ vì áp lực, du lịch Đông Nam Á sẽ rất khác biệt hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Du khách tới Angkor Wat, Campuchia hồi tháng 3/2019 (ảnh: CNN)

Sự hồi phục của tự nhiên

Trong khi các chuyến bay quốc tế gián đoạn là một gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp thì tại nhiều nơi, thiên nhiên lại bắt đầu hồi phục sau thời gian dài bị chịu sức ép từ du lịch.

Tại một số bờ biển nổi tiếng tại Thái Lan, người ta đã lại nhìn thấy hình ảnh những chú rùa bò lên đẻ trứng. "Chúng tôi bắt gặp cá mập tại biển Maya, cá heo xung quanh các đảo Similan; thậm chí là cả các động vật hiếm quý như hổ ở các khu bảo tồn quốc gia", Tổng giám đốc Thanya Netithummakun của Cục Công viên Quốc gia, Cuộc sống hoang dã và Bảo tồn thực vật, cho hay.

Ngay cả trước đại dịch, Thái Lan đã có nhiều nỗ lực để giảm bớt số du khách tới những hòn đảo của mình. "Ví dụ, các đảo Chumporn chỉ được phép đón 400 khách một ngày và đảo Similan chỉ nhận một nửa số so với trước đây" ông Thanya nói. Một trong những bãi biển được ưa thích nhất của Thái Lan, Maya Bay – từng xuất hiện trong bộ phim Hollywood "The Beach", đã bị đóng cửa từ tháng 6/2018 và gần như chắc chắn chưa hoạt động lại cho tới ít nhất là tháng 6/2021. Trong thời gian đóng cửa, hàng nghìn cây san hô đã được trồng lại để cải thiện tình trạng thiệt hại đến từ các hoạt động du lịch dưới đáy biển và thuyền bè đi lại. Khi mở cửa lại, dự kiến hệ thống vé điện tử sẽ được phát triển để kiểm soát số lượng khách du lịch và các thuyền sẽ phải lắp đặt thiết bị theo dõi nếu muốn neo tại bãi biển.

Giảm áp lực đám đông

Trong một số trường hợp, mạng xã hội đã giúp thu hút một số lượng lớn khách du lịch tới một địa điểm – nhanh hơn so với những nỗ lực kiểm soát mà giới chức quản lí đang thực hiện. Một ví dụ là các đền ở Bagan, Myanmar. "Mọi người chỉ biết tới một ngôi đền thích hợp để ngắm mặt trời lặn tại một nơi mà bạn có thể thăm thú hàng nghìn ngôi đền khác. Điều đó không hề logic", Willem Niemeijer, người sáng lập công ty lữ hành bền vững YAANA Ventures chỉ ra.

Theo Niemeijer, một cách để giải quyết tình trạng trên là sử dụng công nghệ quản lý số lượng khách như đặt chỗ trên ứng dụng hoặc trang web trước khi tới tham quan…

Từ hệ sinh thái gần sụp đổ vì áp lực, du lịch Đông Nam Á sẽ rất khác biệt hậu COVID-19? - Ảnh 2.

Khung cảnh từ trên cao của thành phố di sản thế giới Bagan, Myanmar (ảnh: CNN)

Trên trên thế giới, hạn chế vé và du khách từ lâu đã được áp dụng; tuy nhiên ở một số điểm hàng đầu châu Á, mức độ hạ tầng cơ sở cần thiết cho công nghệ này lại vẫn chưa đầy đủ. Tại nhiều điểm thậm chí còn chưa bao giờ phải kiểm soát lượng khách tham quan trong quá khứ. "Điểm chung của hầu hết các điểm là không có quy định, không có bất kỳ biện pháp quản lý du khách nào và điều đó khiến mọi thứ trở nên rối loạn", Niemeijer nói.

Tìm cách "dàn đều" du khách trên toàn đất nước thay vì chỉ quảng bá một hoặc ba điểm đến chính, là một cách khác để giảm áp lực cho một số địa điểm nhất định.

Bà Susanne Becken, giám đốc Viện Du lịch Griffith tại Melbourne, Australia cảnh báo, hoạch định là một yếu tố cực kì quan trọng bởi vì nếu các địa điểm mới không được chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở và hệ thống xử lí rác thải, "chỉ phân tán du khách cũng có thể gây ra nhiều tổn hại tới các điểm đến này".

Chuẩn bị cho thời kì hậu đại dịch

Theo bà Becken, trong vòng 20-30 năm qua, du lịch châu Á đã bị "thổi phồng một cách không thể tin được", một phần nhờ vào vé hàng không giá rẻ.

Giờ đây là thời điểm để các chính phủ nghĩ lại xem họ muốn đón chào các khách du lịch với ngân sách hạn chế, chỉ tới một vài ngày và không tiêu nhiều tiền – hay phân tích cẩn trọng những gì họ thực sự mong chờ từ du lịch.

Từ hệ sinh thái gần sụp đổ vì áp lực, du lịch Đông Nam Á sẽ rất khác biệt hậu COVID-19? - Ảnh 3.

Nhân viên dọn rác tại một bãi biển của Bali (ảnh: CNN)

Còn ông John Paolo Rivera, phó giám đốc Trung tâm Du lịch Andrew L.Tan dự đoán, đại dịch sẽ thúc đẩy một sự thay đổi trong các mô hình kinh doanh hướng tới du lịch bền vững.

"Bên cạnh phí môi trường, hạn chế du khách, cần áp dụng các hình phạt nghiêm trọng cho những ai không tuân thủ các quy định và luật lệ tại các điểm đến", ông Rivera nói.

Tại Bali, chính quyền đã đề xuất mức thuế 10 USD lên khách du lịch nước ngoài, nhằm "gây quỹ cho các chương trình bảo tồn môi trường và nền văn hóa Bali". Một nghiên cứu của Đại học Udayana chỉ ra, khách du lịch sẵn sàng trả phí nếu nó giúp cho môi trường.

Ông Rivera cho rằng, những nỗ lực cần phải bao gồm cả sự tham gia và sở hữu cộng đồng, giúp người dân địa phương nhận ra những giá trị dài hạn của việc bảo vệ các điểm đến trong khi có thể góp tiếng nói vào quy trình quản lý và được hưởng lợi nhuận khai thác.

Điều đó đòi hỏi sự đầu tư vào giáo dục và đào tạo – một khía cạnh khá khó khăn trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc, nhưng "chắc chắn sẽ đem lại kết quả", bà Becker nhấn mạnh. Theo bà, cần có một cách tiếp cận tương tự với các biện pháp giảm áp lực đám đông. Cắt giảm số lượng du khách chỉ nên thực hiện nếu kết hợp với những chương trình bảo vệ cuộc sống người dân địa phương liên quan.

Hồi đầu tháng, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã công báo một sáng kiến mới kêu gọi hồi phục một cách có trách nhiệm cho ngành du lịch toàn cầu.

"Bền vững không thể mãi là một thị trường ngách trong du lịch mà cần phải trở thành một tiêu chuẩn mới cho từng phần trong ngành", Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili khẳng định. "Chính chúng ta mới có khả năng biến đổi du lịch và để COVID-19 trở thành một cột mốc cho bền vững".

Minh Đức