Tràn lan TPCN từ Trung Quốc: Tin nhau thì mua!

00:00 12/10/2020

TPCN nội địa hóa Trung Quốc với TPCN giả từ Trung Quốc được bày bán công khai nhưng tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe.

Dạo một vòng quanh các shop bán hàng online trên mạng xã hội hay các trang bán hàng điện tử có thể dễ dàng tìm thấy những sản phẩm ghi rõ "nội địa Trung Quốc", trong đó có cả thực phẩm chức năng.

Chia sẻ với báo Đất Việt, một chủ shop (cửa hàng) chuyên bán hàng oder, hàng nội địa Trung Quốc trên một web điện tử cho biết, lâu nay người tiêu dùng Việt e ngại quảng cáo hàng Trung Quốc là bởi có quá nhiều hàng hóa chất lượng kém. Tuy nhiên, trên thị trường Trung Quốc cũng có những sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế (?!) nên chủ hàng này quyết định lựa chọn những sản phẩm được người Trung Quốc ưa thích để bán.

Một sản phẩm bổ sung chức năng "nội địa Trung Quốc".

"Quan điểm của shop là hàng hóa mình nhập về như thế nào, nguồn gốc ở đâu thì phải nói rõ, nói thật với khách hàng. Nhiều người bây giờ cũng có quan điểm tân tiến hơn về hàng Trung Quốc rồi. Hàng Trung Quốc cũng có những hàng tốt và shop không ngại gì về việc rao là hàng "nội địa Trung Quốc" với khách hàng cả. Có nhiều khách vẫn sẵn sàng mua chứng tỏ khách hàng tin tưởng vào sự trung thực của shop" - chủ shop này chia sẻ.

Hơn nữa, chủ shop này cho rằng "hàng nội địa Trung Quốc cũng đã thể hiện nguồn gốc và thể hiện một phần tính chất của hàng hóa đó. Là hàng tiêu dùng trong nước thì người Trung Quốc sản xuất và bán cho người nước mình sẽ chất lượng hơn (?!)".

Khi được hỏi về nơi nhập những hàng hóa này, chủ shop khẳng định là đã đến tận các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc để mua, chịu chi phí đi lại, làm các thủ tục nhập cảnh... chứ không có chuyện đặt thông qua người trung gian như các shop khác.

"Hàng hóa được bán tại Trung tâm thương mại đều chắc chắn là những hàng đã có kiểm định chất lượng và như vậy thì đã được gọi là hàng nội địa rồi"- nhân viên của shop này nói thêm.

Shop này khẳng định chủ của shop này biết tiếng Trung và hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc mua bán không thể là hàng giả, sản phẩm "chuẩn nội địa Trung Quốc" phải là hàng không có tem hay nhãn mác có chữ Việt Nam.

Khi bán hàng, chủ shop sẽ giới thiệu cụ thể về công dụng, thành phần của sản phẩm, cách dùng, liều dùng và chống chỉ định... được dịch từ tem bằng tiếng Trung Quốc. Nhiều người vẫn chọn mua và quay lại mua những sản phẩm hỗ trợ giảm cân, thực phẩm dành cho người gầy, thực phẩm bổ sung cho đàn ông... vì chẳng có vấn đề gì.

Tuy nhiên, với nhiều shop khác, không phải chủ hàng nào cũng... biết tiếng Trung Quốc và có thể dịch được tem hàng hóa.

Một shop khác cũng rao bán hàng nội địa Trung Quốc nhưng tên shop lại là "... - chuyên xách tay Hàn Quốc". Sản phẩm chủ yếu của shop là thực phẩm bổ sung như: Đông Trùng Hạ Thảo Hàn Quốc; thuốc xương khớp; Hồng Sâm Đông Trùng Linh Chi; An cung ngưu hoàng hoàn Trung Quốc; Viên uống bổ 70 vị Trân Châu Tây Tạng... Ngoài ra cũng có thêm các mặt hàng thực phẩm như bánh kem Hàn Quốc, đùi gà Hàn Quốc, cao dán hay kem bôi đau xương khớp, viên thuốc uống giảm cân "hàng nội địa Nhật Bản"...

Anh Mạnh Thường - chủ shop này cho biết, anh được một người đàn anh chuyên mua hàng từ các trang web uy tín nước ngoài hướng dẫn cách mua hàng online và bắt đầu nhập hàng theo cách này để bán trên các web bán hàng điện tử.

Anh Thường khẳng định những sản phẩm của anh chọn mua đều là những hàng được đánh giá tốt trên các trang chuyên bán hàng uy tín như taobao, 1688, tmall. Những trang web này có đánh giá shop chất lượng, hàng hóa có thương hiệu, tên tuổi... nên dễ dàng trong việc đặt mua. Hơn nữa, những trang web uy tín, sản phẩm đăng trên đó chắc chắn đã được kiểm duyệt rồi, khả năng hàng giả là không chắc chắn nhưng đỡ có nguy cơ hơn.

Anh thừa nhận không hiểu tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc hay tiếng Trung Quốc nhưng không lo vì đã có... Google Dịch.

"Các sản phẩm chất lượng đều đăng các chi tiết sản phẩm kể cả thành phần, cách dùng.. trong phần chi tiết sản phẩm đó. Chỉ cần ấn nút “dịch trang web” ở góc trên bên phải màn hình là sẽ hiểu được. Nếu không hiểu tiếp thì tìm tên sản phẩm trên Google, ai đó đã có rồi thì mình coppy của họ để đăng bán sản phẩm ở trang của mình" - anh Thường nói.

Một chủ shop khác có địa chỉ ở Quận 2, TPHCM cho biết, ban đầu là người mua hàng và là người thử dùng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc thấy có hiệu quả. Sau khi thấy nhiều người bán hàng nội địa Trung Quốc, chị cũng mua từ những người bán số lượng lớn về bán thử.

"Mình có người chị họ, rất thân chuyên nhập hàng Trung Quốc nội địa chuẩn, uy tín nên không lo sản phẩm bị làm giả đâu. Sản phẩm có mã vạch, có check code (một cách kiểm tra thông tin hàng hóa bằng điện tử - PV). Khách hàng nghi ngờ cứ check thoải mái" - chị này cho hay.

Theo chủ hàng này, khách hàng mua hàng là bởi niềm tin, "tin nhau thì mới mua" chứ hàng hóa, mã vạch rõ ràng, không thể có chuyện hàng giả. Có khách hàng cũng thắc mắc nghi ngờ hàng giả, chị giải thích rằng, thực phẩm bổ sung nên "không thể uống một liều, 2 liều là thấy ngay tác dụng được".

Cơ quan quản lý chỉ rõ hàng giả, TPCN giả có thể khiến ngộ độc

Trước sự e dè của người tiêu dùng và tình trạng ồ ạt bán hàng TPCN, mới đây, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, TPCN giả chủ yếu từ Trung Quốc đưa về, ngụy trang bằng đủ các hình thức và tập kết hàng tại các địa bàn hẻo lánh hiểm trở, sau đó đưa qua các đường mòn nhỏ lẻ để vào thị trường nội địa.

Các đối tượng lựa chọn từng thời điểm để tung ra thị trường hoặc lợi dụng các thương hiệu có uy tín để làm giả.

PV