Tiền gửi giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt tại Ngân hàng TMCP Quân Đội

00:00 12/10/2020

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) có vẻ dần “ngấm đòn” vì đối mặt với dịch bệnh Covid-19 trong 3 tháng đầu năm khi báo lợi nhuận giảm, dư nợ vay giảm và nợ xấu gia tăng.

Lợi nhuận trong kỳ thấp nhất 5 quý, tăng trưởng tín dụng âm

Theo Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I/2020 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HoSE: MBB), trong quý 1/2020, thu nhập lãi thuần của MBB đạt mức 3.831 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng khá 24% lên mức 350 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động ngoại hối cũng đem lại 159 tỷ đồng, tăng 23%. Đặc biệt, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, đầu tư góp vốn ghi nhận con số rất khả quan với 523 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Chỉ riêng lãi thuần từ kinh doanh khác giảm gần 17% về mức 226 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động của MBB đạt gần 5.090 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, kỳ này chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MBB lên tới 1.628 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ. Do đó, MBB chỉ ghi nhận 1.577 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sụt giảm 6,7% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận tính theo quý thấp nhất trong vòng 5 quý gần đây của MBB.    

Nợ xấu MBB có khả năng tăng cao do Covid-19

Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Ngân hàng giảm 1,14% so với đầu năm, xuống mức 406.802 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,94% xuống 247.979 tỷ đồng.

 Các chỉ số chính MBB theo quý.

Đáng chú ý, tiền gửi của khách hàng tại MBB sụt giảm khá mạnh, giảm khoảng 11,7% xuống còn 240.737 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại MBB giảm tới 22% xuống còn 71.852 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ cũng đều giảm mạnh, lần lượt là 57,9% và 24% xuống còn 1.964 tỷ và 5.790 tỷ. Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn ngân hàng sụt giảm xuống 33%, nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành.

Nợ xấu cũng có sự thay đổi đáng chú ý. Nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 là 4.004 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm mặc dù dư nợ cho vay sụt giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,61%.

Hiện nay, các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng mẹ được cơ cấu lại nợ và khách hàng cá nhân chủ yếu vay thế chấp. Trong khi đó, khách hàng của MCredit có rủi ro cao, do đó khó được cơ cấu nợ, dẫn đến việc ghi nhận nợ xấu của MCredit ngay trong nửa đầu năm 2020.

Theo báo cáo phân tích hồi cuối tháng 3, Chứng khoán VNDirect cho biết tỷ lệ nợ xấu của MBB giảm từ 1,3% vào cuối 2018 xuống còn 1,2% vào cuối 2019 nhưng các chỉ số khác cho thấy nợ xấu đã tăng.

Trong năm 2019, MBB đã xóa 4.919 tỷ nợ xấu, gấp 2,5 lần mức xóa nợ trong năm 2018. Do đó, chi phí dự phòng tăng 61% so cùng kỳ, khiến chi phí tín dụng tăng từ 1,5% trong 2018 lên 2,1% trong 2019.

Nợ xấu tăng có thể đến từ việc MBB mở rộng hoạt động tài chính tiêu dùng tại Công ty MCredit.

Do đó, VNDirect ước tính tỷ lệ nợ xấu tại MCredit có thể vượt 6%, trong khi tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ chỉ khoảng 1% vào cuối năm 2019.

Về tình hình 2020, do dịch Covid-19, VNDirect dự báo nhu cầu tín dụng sẽ giảm và nợ xấu có khả năng tăng. Việc các ngân hàng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi sẽ gây áp lực lên biên lãi ròng (NIM).

Trong thời gian qua, MBB đã tích cực phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng, nhưng VNDirect cho rằng hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch Covid-19 do khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp mà việc làm dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Do đó, VNDirect giảm dự báo EPS 2020-2022 từ 8,1%-12,2% do giảm tăng trưởng cho vay, tăng chi phí dự phòng và dự báo NIM sẽ giảm 5 điểm cơ bản trong 2020.

Chi phí dự phòng có khả năng tăng mạnh trong quý 2

Hiện nay, các gói hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gồm giảm lãi suất cho vay và giãn, gia hạn thời hạn trả nợ.

Nợ xấu MBB có khả năng tăng cao do Covid-19 (ảnh: Minh họa)

Nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh. Bởi lẽ mặc dù áp lực huy động giảm khi nhu cầu vay mượn thấp và động thái điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (giảm lãi suất điều hành, tác động thị trường OMO) sẽ giúp lãi suất huy động giảm theo sau mức lãi suất cho vay, song tốc độ sẽ chậm hơn. Bên cạnh đó, khả năng tăng tỷ trọng dư nợ của nhóm khách hàng có lãi suất cho vay cao bị hạn chế.

Tăng trưởng thu nhập lãi và dịch vụ nhìn chung sẽ chậm lại so với các năm trước khi mà chính sách giãn, gia hạn thời hạn trả nợ có thể khiến ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng (chưa được ghi nhập khi chưa đến kỳ thu lãi) và quy mô cho vay giảm khiến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Quý 1 vừa rồi, mức dự phòng rủi ro đã "ăn mòn" tới 49% lợi nhuận của MBB, trong khi cùng kỳ chỉ là 28%. Là một ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản, nhiều khả năng MBB sẽ thực hiện trích chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý 2 hoặc 2 quý đầu năm 2020.

Điều này khiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020 của Ngân hàng này.

Hồ Đông