Thủ tướng: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu”

00:00 12/10/2020

"Doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống", Thủ tướng nói. Chia sẻ Tweet

Thủ tướng: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị sáng nay.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững", diễn ra sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế, vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
“Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên Đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng bày tỏ sự cảm ơn những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Ba điểm sáng từ cộng đồng doanh nghiệp Việt được nêu trong báo cáo, bao gồm: Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ; chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực và mức độ linh hoạt; đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng
Hình thành doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt, tạo xu hướng chuyển dịch đầu tư
Phân tích về bước chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong 5 năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (trong đó 96% là doanh nghiệp khu vực tư nhân).
Tỷ trọng các doanh nghiệp có quy lớn, vừa, và nhỏ có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm: Tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 chiếm 2,8%, tăng 0,4% so với năm 2016 (2,4%); doanh nghiệp vừa chiếm 3,5%, tăng 1% so với năm 2016 (2,5%), nâng tổng tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn từ 4,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2018.
Ngược lại, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng tăng từ 25% lên 30,8%, trong khi nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ tỷ trọng giảm từ 70,1% xuống còn 62,9%.
Nhìn nhận về sự phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao...
Theo thống kê, hiện có 9/29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân (Vingroup, FLC, Masan, Vietjet, Trường Hải, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát).
Đồng thời, tỷ trọng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong các ngành nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản có xu hướng giảm so với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong khi bình quân số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2016-2018 trong những ngành chế biến chế tạo, khoa học và công nghệ tăng.
Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa.

Hạ An