Thoát bẫy thu nhập trung bình bằng công nghệ

00:00 12/10/2020

Phát triển công nghệ là con đường tắt giúp Việt Nam tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế và xã hội

Ảnh: techrum.vn

Theo thống kê, đến hết năm 2018, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 250 tỉ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600USD. Tuy nhiên, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển nhanh chóng, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất, tiến tới ngưỡng toàn cầu. “Những thay đổi công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, ví dụ robot, tự động hóa, in 3D... Những điều này hết sức quan trọng với Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.

 

Theo Giáo sư Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), do có xuất phát điểm tương đồng nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với GNP bình quân đầu người là 82USD, chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% việc làm. Đầu những năm 80, Hàn Quốc rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên khu vực tư nhân.

“Chúng tôi sớm nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ... Qua đó, đưa Hàn Quốc vào bản đồ công nghệ thông tin trên toàn cầu”, Giáo sư Chung chia sẻ. Những tập đoàn công nghệ lớn trở thành xương sống cho nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. Chẳng hạn, Samsung thời gian đầu đã đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ, nhưng sau 10 năm phát triển, Samsung đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Hay Tập đoàn Posco cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Trong vòng 15 năm, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép.

Hiện tại, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (A.I), Internet vạn vật (IoT), robot, Blockchain... Xác định các chương trình R&D là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh.

 

Theo Giáo sư Massimo Piccardi, Đại học Công nghệ Sydney (UTS), A.I sẽ mang lại nhiều chuyển đổi to lớn về năng lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngày nay, A.I và robot tự trị có thể xây dựng cả ngôi nhà. A.I có thể chỉnh sửa hàng loạt, ứng dụng trong y tế, giao thông... Bản thân World Bank cũng đưa ra nhiều tư vấn về việc ứng dụng A.I trong xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng A.I và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Nền kinh tế số cần sử dụng công năng để nâng cao hiệu năng sản xuất. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công. Trong sự biến chuyển này, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số.

Có thể thấy kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh. Điều này là do Việt Nam có nền tảng hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng khắp với mật độ người sử dụng cao. Chính phủ cũng đã thử nghiệm Sandbox cho mô hình kinh tế mới nhằm đẩy mạnh các sáng tạo đột phá trong startup, fintech... Với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành trong 2 năm qua, cùng với đó là 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới đầu tư thiên thần, nếu có một không gian kinh tế phù hợp, sẽ có thể tạo nên sức bật mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam.

Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019), khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghệ 4.0, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam còn khá non trẻ với mức xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... “Điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước sẵn sàng đón đầu kinh tế số”, ông nói.

 

Mới đây, Viettel đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Hay hàng loạt mạng xã hội Việt Nam như Lotus, Gapo... mạnh dạn đầu tư để cạnh tranh với Facebook. Công nghệ cũng đang rất phát triển tại Việt Nam và được ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ... Mặc dù vậy, nền tảng của nền kinh tế số Việt Nam đang có một số vấn đề như số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít, cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế, doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào công nghệ cao để tự động hóa vì chi phí lao động còn thấp...

Theo Giáo sư Sungchul Chung, tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua R&D và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn. Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong quá trình thiết kế chính sách mà cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Eric Sidgwick cũng cho rằng để nâng cao tính sẵn sàng cho kinh tế số, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nghệ startup thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ để mở con đường tắt nhằm bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội, quan trọng hơn là không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Hà Cúc