Thanh Hóa: Giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành du lịch

00:00 12/10/2020

Ngay những ngày đầu năm mới, mùa cao điểm du lịch, ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Thanh Hóa nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid- 19. Hội nghị bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh đối với hoạt động phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm đưa ra những chính sách kích cầu, để du lịch vượt qua thời điểm khó khăn.

So với cùng kỳ năm trước, năm nay thị trường khách quốc tế và nội địa vào Thanh Hóa giảm mạnh. Có thể nói tất cả các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, địa điểm ăn uống và điểm du lịch trong tỉnh đều bị ảnh hưởng thiệt hại do đại dịch. Bởi những đơn vị này đã chuẩn bị đầu tư trước đó cho một mùa du lịch, chỉ chờ sẵn sàng đón khách. Nhưng khi dịch cúm Covid- 19 xuất hiện tại Thanh Hóa thì tất cả ngành du lịch và dịch vụ đi theo bị “tê liệt” hoàn toàn. Nhất là sau khi có chỉ đạo của các Sở, Ban, Ngành thì các đơn vị lữ hành đã chấp nhận hoãn, hủy hoặc hoàn tuor du lịch, nhiều đơn vị chấp nhận lỗ để bảo vệ khách hàng.

Bản Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách

Không chỉ ngành du lịch Thanh Hóa bị ảnh hưởng mà đến tất cả những ngành kinh tế dịch vụ xoay quanh ngành du lịch cũng lao đao vì lượng khách du lịch ảm đạm. Bởi lẽ khách từ những khu vực này khi hủy tour phải vài tháng sau mới có kế hoạch trở lại du lịch. Điều này sẽ khiến không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mà các dịch vụ khác như hàng không, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm… sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Cụ thể, công suất sử dụng buồng, phòng của các cơ sở lư trú chỉ đạt 25%. Tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ tại các công ty lữ hành lên đến 95%. Cùng với đó, dịch bệnh đã khiến cho các hoạt động tại các khu, điểm du lịch bị dừng hoặc hạn chế quy mô tổ chức. Trong đó có các lễ hội đầu xuân lớn, thu hút đông đảo khách thập phương như lễ hội Đền Nưa - Am Tiên, lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Trung Túc Vương Lê Lai… 

Theo thống kê, trong tháng 1-2020, lượng khách chỉ đạt 122.600 lượt, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu đạt 123,8 tỷ đồng, giảm 16,9% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 2-2020, tháng cao điểm bùng phát dịch bệnh, lượng khách du lịch giảm mạnh. Trong đó, tổng khách ước đạt 399.500 lượt, giảm 50,7% so với cùng kỳ 2019; tổng thu ước đạt 287 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ 2019. Kết quả này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển du lịch đề ra năm 2020.

Đứng trước tình hình trên Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp hội viên đã động viên các Doanh nghiệp du lịch nghiêm túc, tích cực thực hiện các chỉ đạo của cấp trên để góp phần phòng chống hiệu quả dịch bệnh này, góp phần đưa du lịch Thanh Hóa phát triển trở lại ngay sau khi hết dịch. Đặc biệt là động viên cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp phải bình tĩnh, không hoang mang dao động, phải có những giải pháp tự phòng chống và hướng dẫn khách du lịch các biện pháp phòng chống dịch. Có nhiều khách sạn tại Thanh Hóa đã tổ chức phát khẩu trang và đo thân nhiệt cho khách trước khi nhận phòng. Chủ động tiến hành vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các điểm, khu du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh theo khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng.

 Đặc biệt là các chính sách kích cầu nhằm đưa du lịch vượt qua thời điểm khó khăn thông qua hội nghị bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19, đối với hoạt động phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

 Xây dựng sản phẩm du lịch mới, Phố đêm Sầm Sơn, một trong những giải pháp phát triển ngành du lịch của tỉnh

Thông qua hội nghị, đại diện Hiệp hội du lịch, các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với UBND tỉnh nhiều nội dung nhằm giải quyết khó khăn, kích cầu du lịch. Cụ thể là nhóm giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với thông điệp “Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và miễn/giảm giá vé vào các khu, điểm du lịch; công bố tour, tuyến du lịch mới; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát, kết nối các khu, điểm du lịch; tham gia các hội chợ và sự kiện du lịch trong, ngoài tỉnh. Nhóm giải pháp về kích cầu du lịch sẽ tập trung vào việc giảm giá vé, tiền phòng, khuyến mại các dịch vụ, quà tặng đi kèm… Đồng thời, liên kết các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí thành chuỗi hoạt động khép kín và cam kết nâng cao chất lượng các dịch vụ. Cùng với đó là nhóm giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm bổ trợ (phố đi bộ, chợ đêm và làng Bích họa ở Sầm Sơn; du lịch nông nghiệp, trang trại tại Thạch Thành, Thường Xuân…). Ngoài ra, nhóm giải pháp cơ chế, chính sách sẽ tập trung đề nghị tỉnh xem xét giản thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế và giảm lãi suất cho các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn trong 6 tháng đầu năm…

Trong những lần dịch trước, du lịch luôn là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng là ngành phục hồi sớm nhất, hi vọng với đợt dịch Covid – 19 lần này, lịch sử đó lại được lặp lại với ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch tỉnh Thanh nói riêng.

Minh Hiền