Tâm lý chốt lời đè nặng thị trường chứng khoán tháng 6

00:00 12/10/2020

Thị trường chứng khoán vừa có chuỗi dài ngày hồi phục vượt xa kỳ vọng trước tâm lý hưng phần của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chính sự ngoài mong đợi vừa qua lại khiến thị trường có thể đối diện với áp lực chốt lời trong tháng 6.

Trái với những dự báo có phần thận trọng trước đó, thị trường chứng khoán đã khép lại tháng 5 khá thành công với chỉ số Vn-Index khi tăng 94 điểm, tương đương 12%. Tính chung trong tháng 4 và tháng 5, chỉ số này đã phục hồi hơn 30% kể từ vùng đáy 650 điểm vào cuối tháng 3.

Thanh khoản của thị trường trong tháng 5 đạt 89.370 tỷ đồng tương đương với khối lượng 5,4 tỷ cổ phiếu, tăng 30% về giá trị và 10,2% về khối lượng so với tháng 4.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh

Hỗ trợ mức tăng trưởng của thị trường trong tháng 5 là nhưng thông tin vĩ mô liên quan đến việc lãi suất cho vay, lãi suất điều hành hay việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ và xu hướng dịch chuyển dây truyền sản xuất sang Việt Nam.

Những thông tin tích cực kể trên đã tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu của nhiều nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp,... như VCB (Vietcombank) tăng 25,3% so với tháng trước lên 85.200 đồng/cp, TCB (Techcombank) tăng 20,3%, VHM (Vinhomes) tăng 20,4%, KSB (Khoáng sản và Xây Dựng Bình Dương) tăng 30,8%, SZC (Sonadezi Châu Đức) tăng 17,8%, PHR (Cao su Phước Hoà) tăng 12,6%...

 

Làn sóng chốt lời có thể diễn ra trong tháng 6 (Ảnh: Internet)

Bên cạnh mức tăng mặt bằng chung kể trên, nhiều cổ phiếu thậm chí đã ghi nhận mức tăng trên 100%. Điển hình là cổ phiếu TEG của CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành với mức tăng 101,6% nhờ thông tin đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 ở mức cao.

Cụ thể, doanh thu công ty dự kiến tăng gấp 3,2 lần so với năm 2019 đạt 511,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gấp 10,7 lần từ 3,49 tỷ đồng lên 37,38 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 5, cổ phiếu TEG đã có 10 phiên tăng trần.

Gương mặt điển hình thứ 2 là KDC của CTCP Tập đoàn Kido tăng 84,1% trong tháng 5 từ mức giá 17.300 đồng/cp lên 31.850 đồng/cp. Nếu tính chung trong cả 2 tháng (4 và 5), KDC đã tăng hơn 112% từ mức giá 15.000 đồng/cp.

Một cổ phiếu khác có liên quan đến Kido là TAC của CTCP Dầu Thực vật Tường An tăng gần 64% trong tháng 5 và gần 102% so với tháng 4. Đáng chú ý, tài liệu ĐHĐCĐ mới đây của Dầu Tường An cho biết sẽ trình phương án sáp nhật vào Tập đoàn mẹ (Kido đang sở hữu hơn 75% cổ phần Dầu Tường An).

Tương tự, cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển TP.HCM (Fideco) cũng tăng gần 61% trong 2 tháng vừa qua. Mới đây, HĐQT Fideco cũng thông qua phương án mua lại tối đa gần 4 triệu cổ phiếu FDC làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 10% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện trong tháng 5 và tháng 6.

Với việc giá lợn tiếp tục giữ ở mức kỷ lục trong tháng 5 bất chấp các yêu cầu giảm giá lợn hơi, nhập khẩu lợn cụ kị hay sắp tới là nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan giúp cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam tiếp tục tăng "nóng" trong tháng 5 với 49,1%.

Trên HNX, cổ phiếu DST của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tháng qua với 172,2% từ mức 1.800 đồng/cp lên 4.900 đồng/cp với 14 phiên tăng trần; SJC của Sông Đà 1.01 cũng tăng 100%; DGC của Hoá chất Đức Giang tăng gần 38%...

Áp lực điều chỉnh

Nhìn vào những diễn biến đã qua của thị trường, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chiến lược thị trường CTCK HSC cho rrằng, sự phục hồi liên tiếp của thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh, đặc biệt là khi Vn-Index tiến sát vùng kháng cự 880-900.

Đây có thể xem là vùng để so sánh “trước Covid-19” và “sau Covid-19”. Thông thường, khi thị trường tăng mạnh như hiện nay nhà đầu tư sẽ có sự so sánh, chỉ số đã tăng lại ngưỡng trước khi bùng phát dịch, trong khi ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của Covid-19 là tiêu cực và hiện tại là xấu hơn trước.

Theo lẽ tư duy đó, tâm lý chung sẽ có sự so sánh về mặt lý lẽ cho Vn-Index có thể vượt ngưỡng kháng cự, tâm lý này là hiển nhiên, dễ tư duy và phổ biến nên thị trường đương nhiên gặp khó khăn ở ngưỡng kháng cự.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, trong tháng 6 kết quả kinh doanh quý II sẽ dần hé lộ và nhìn chung là giảm mạnh so với cùng kỳ. Với việc thị trường đã tăng điểm cả giai đoạn dài như vừa qua thì hiện tượng chốt lời trước thời điểm này khả năng sẽ xảy ra.

Hơn nữa cần phải nhắc lại là thị trường thăng hoa nhờ lực đẩy của dòng tiền mới đến từ các nhà đầu tư cá nhân nhưng đây là là nhóm các nhà đầu tư luôn có xu hướng ngắn hạn do đó với mức tăng của hầu hết các nhóm cổ phiếu kể trên rất có thể sẽ có một đợt chốt lời diễn ra bởi chính dòng tiền trên.

Đồng quan điểm về áp lực chốt lời đang "rình rập" thị trường tháng 6, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng đưa ra khuyến nghị hạn chế mua vào các cổ phiếu bluechip đã tăng mạnh, "thà tiếc nuối còn hơn rơi lệ" khi mà nhiều bluechip đã có định giá không còn hấp dẫn nữa.

Một yếu tố đáng lưu ý trong tháng 6 là hoạt động cơ cấu danh mục của các quý ETF nhưng tác động của nhóm ETF ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt ngày càng giảm và chiếm tỷ trọng thấp hơn trong thời gian gần đây, sau khi rút ròng mạnh mẽ trong quý I.

Ở một góc nhìn khác, ông Ngô Thế Hiển, Phó Phòng Phân tích,CTCK SHS cho rằng thanh khoản trong tháng 6 có thể sẽ giảm và chỉ số ở trong trạng thái tích lũy.Theo đó, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn ở các nhóm cổ phiếu cũng như các cổ phiếu riêng lẻ có những thông tin hỗ trợ riêng.

Thị trường trong tháng 6 có thể đi ngang và giằng co trong biên độ 840 - 880 điểm với chỉ số Vn-Index và 770 - 815 điểm với chỉ số VN30.

Linh Đan