Suy thoái kinh tế là gì, vì sao giới kinh tế lo lắng khi Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19?

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2015. Đây cũng là cường quốc kinh tế đầu tiên trên thế giới suy thoái vì dịch Covid-19.

Theo lý thuyết kinh tế, tình trạng suy thoái (Recession) là sự suy giảm trong các hoạt động kinh tế nói chung mà đại biểu là việc sụt giảm GDP trong 2 quý liên tiếp. Dẫu vậy, tiêu chuẩn để định nghĩa suy thoái vẫn chưa được thống nhất. Ví dụ ở Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho rằng suy thoái kinh tế là sự sụt giảm hoạt động kinh tế kéo dài trong nhiều tháng chứ không phải chỉ 2 quý.

Tuy nhiên, nói chung các chuyên gia đều đồng ý rằng suy thoái kinh tế liên quan đến sự suy giảm đồng thời của các chỉ số kinh tế như việc làm, đầu tư hay lợi nhuận doanh nghiệp. Những rủi ro lạm phát hay giảm phát dễ dàng xuất hiện trong các thời kỳ suy thoái.

Nếu suy thoái kéo dài và trầm trọng sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế (Depression), tương tự như những gì đã diễn ra vào thập niên 1930 hay gần đây nhất là năm 2008 khi thị trường tài chính đổ vỡ. Tác động của chúng là vô cùng lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội.

Suy thoái kinh tế là gì, vì sao giới kinh tế lo lắng khi Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19? - Ảnh 1.

Thế giới sẽ lâm vào cuộc suy thoái tệ nhất kể từ 2009

Các nền kinh tế theo định hướng thị trường có đặc điểm là tăng giảm theo chu kỳ kinh tế, nhưng sự suy giảm thực tế (suy giảm các hoạt động kinh tế) không thường xảy ra. Bởi vậy khi các hoạt động kinh tế suy giảm biểu hiện qua các chỉ số như giảm GDP, lạm phát tăng giảm bất thường hay tỷ lệ thất nghiệp phi mã đều báo hiệu nền kinh tế đang có vấn đề.

Nguyên nhân đích thực của suy thoái kinh tế vẫn chưa được làm rõ khi các chuyên gia còn đang tranh cãi. Tuy vậy, những nhà hoạch định chính sách đều cho rằng suy thoái kinh tế thường bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ đổ vỡ thị trường tài chính, chiến tranh thương mại, nguồn cung bị đình trệ, bong bóng thị trường xì hơi cho đến những thiên tai, dịch bệnh.

Các nhà tâm lý học cho rằng hiệu ứng bầy đàn và sự sợ hãi nói chung của mọi người khi nền kinh tế đang trên đà đi xuống theo chu kỳ sẽ kích thích suy thoái. Doanh nghiệp sa thải nhân viên, hạn chế đầu tư để tiết kiệm vốn. Người dân hạn chế đầu tư để tiết kiệm ngân sách sinh hoạt.

Một nguyên nhân nữa cũng có thể kích hoạt suy thoái là tỷ lệ nợ quá cao khiến các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản xì hơi. Việc nợ nhiều khiến hàng loạt doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng thu nhập cho trả nợ hơn là chi tiêu đầu tư, khiến nền kinh tế đi xuống.

Thông thường, chính phủ sẽ áp dụng các chính sách vĩ mô nhằm đối phó với suy thoái kinh tế, ví dụ như tăng cung tiền, giảm thuế và tích cực chi tiêu công. Tuy nhiên, những chính sách này cũng sẽ làm tăng nợ công, thâm hụt ngân sách và để lại nhiều hậu quả trong dài hạn.

Suy thoái kinh tế là gì, vì sao giới kinh tế lo lắng khi Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19? - Ảnh 2.

GDP toàn cầu có thể mất 9 nghìn tỷ USD vì dịch Covid-19

Suy thoái "kỹ thuật"

Suy thoái kinh tế từng xuất hiện rất lâu trước khi được các chuyên gia đặt ra tiêu chuẩn chung. Những cuộc chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh đã từng khiến kinh tế nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cũng có những tiêu chuẩn khác nhau khi nói về suy thoái. Phải đến năm 1974, Ủy viên bộ thống kê lao động Mỹ Julius Shiskin đề nghị một số tiêu chuẩn cho định nghĩa về suy thoái thì các học giả mới dần áp đặt các tiêu chuẩn chung.

 

Một trong những tiêu chuẩn mà Shiskin đề nghị là suy giảm GDP trong 2 quý liên tiếp. Theo thời gian, các học giả thường áp dụng tiêu chuẩn này cho một cuộc suy thoái "kỹ thuật" mà bò qua dần những tiêu chuẩn khác.

Tất nhiên, tại một số khu vực, với một số tổ chức hay chuyên gia, họ vẫn sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá về suy thoái. Ví dụ như tiêu chuẩn tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,5-2 điểm phần trăm liên tục trong vòng 12 tháng.

Khi một cuộc suy thoái diễn ra, tổng thể các hoạt động của nền kinh tế từ tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công cho đến xuất nhập khẩu đều xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực. Thông thường, những thị trường chứng khoán, bất động sản hay các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ rất nhạy bén với những thông tin về suy thoái.

Trong các cuộc suy thoái trước đây, thị trường chứng khoán thường đổ vỡ khi nhà đầu tư tháo chạy, bán tháo cổ phiếu để tìm nơi trú ẩn an toàn. Thị trường bất động sản thường ảm đạm trước mỗi cuộc suy thoái nhưng lại lâu hồi phục hơn sau khi khủng hoảng chấm dứt.

Suy thoái kinh tế là gì, vì sao giới kinh tế lo lắng khi Nhật Bản chính thức suy thoái vì Covid-19? - Ảnh 3.

Tất cả các nền kinh tế, từ nghèo đến giàu đều đối mặt nguy cơ suy thoái

Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ vô cùng cao trong thời kỳ suy thoái. Những lao động trình độ thấp, thiếu kinh nghiệm hay còn trẻ thường sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong suy thoái khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản hay sa thải nhân viên.

Sau cuộc suy thoái thập niên 1980-1990 tại Anh, quốc gia này đã phải mất ít nhất 5 năm để đưa tỷ lệ thất nghiệp trở về trạng thái bình thường trước khi diễn ra khủng hoảng.

Bên cạnh thất nghiệp, năng suất và sản lượng kinh doanh của nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng khi suy thoái diễn ra. Thông thường năng suất của nền kinh tế sẽ giảm khi nhiều công ty đóng cửa, sau đó tăng trở lại do các doanh nghiệp yếu kém đã phá sản hết, chỉ còn lại những tập đoàn mạnh khỏe.

Tất nhiên, sản lượng và năng suất kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tùy vào mỗi cuộc khủng hoảng. Ví dụ suy thoái do đại dịch Covid-19 sẽ khiến sản lượng toàn nền kinh tế giảm trong dài hạn do các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng, qua đó tác động đến cả nguồn cung lẫn cầu.

Dưới ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tiêu chuẩn sống của người dân sẽ giảm mạnh do thu nhập đi xuống. Tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của vô số hộ gia đình cũng như xói mòn tài sản của rất nhiều người.

Tiêu chuẩn sống đi xuống khiến ngày càng nhiều người phải sống trong cảnh nghèo đói, qua đó tạo nên những bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến giáo dục, sức khỏe hay thậm chí là sinh sản khi các hộ gia đình không muốn sinh con trong thời suy thoái. Đây là thông tin chẳng mấy vui vẻ gì cho những nước có dân số già.

Nói chung, suy thoái là điều tồi tệ mà chẳng người dân hay quốc gia nào muốn có. Tuy nhiên, nền kinh tế không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn và những thách thức luôn xuất hiện để thử thách ý chí cũng như sự đoàn kết của người dân nhiều quốc gia.

A.B