Startup khách sạn bình dân của Ấn Độ chinh phục thị trường Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Nằm trên một con phố nhỏ ở trung tâm thành phố Vũ Hán, khách sạn Oyo 8210 chưa phải là cái tên nổi tiếng và càng không nhiều người dân nơi đây biết rằng đó là một thương hiệu “tuổi trẻ tài cao” đang lặng lẽ làm thay đổi diện mạo ngành khách sạn trên toàn cầu.

Phòng ốc của Oyo trang trí đơn giản, không cửa sổ, nệm giường thì cứng và giá cả cũng rất bình dân, 100 Nhân dân tệ (khoảng 340.000 đồng)/ đêm. Mô tả sơ sơ như vậy cũng không có gì đặc biệt, nhưng đây lại là một trong những chuỗi khách sạn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Tăng trưởng gấp 10 lần Marriott

Sau khi được thụ hưởng làn sóng tiền đầu tư đổ vào cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Ấn Độ những năm vừa qua, ứng dụng đặt phòng Oyo Rooms đã xác định trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường nước ngoài. Công ty này lựa chọn một hướng đi khá lạ lẫm là tân trang các khách sạn “rẻ tiền” bằng công nghệ hiện đại.

Đã khẳng định được vị thế là thương hiệu khách sạn lớn nhất của Ấn Độ, tính theo số lượng phòng, Oyo Rooms tiếp tục lọt vào top 10 ở Trung Quốc chưa đầy 1 năm sau ngày ra mắt tại quốc gia này. Công ty còn mạnh dạn đặt mục tiêu 4 năm tới sẽ trở thành thương hiệu khách sạn lớn nhất thế giới.

Người sáng lập SoftBank, ông Masayoshi Son, rất ấn tượng với việc tốc độ tăng số lượng phòng của Oyo gấp 10 lần đại gia Marriott bằng cách tận dụng “mô hình quản lý khách sạn thế hệ mới”.

Quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD của ông Son sau đó đã không ngần ngại rót 800 triệu USD vào Oyo và cam kết đầu tư thêm 200 triệu USD nữa trong tương lai. Nhờ đó mà giá trị của Oyo tăng lên thành 5 tỷ USD, trở thành startup có giá trị lớn thứ ba ở Ấn Độ, chỉ sau chợ điện tử Flipkart và dịch vụ thanh toán trực tuyến Paytm.

Đây là một thành quả trong mơ của Ritesh Agarwal - cậu sinh viên đã bỏ ngang con đường đại học cách đây 5 năm, khi mới 19 tuổi. Thời gian đầu mới chỉ tập trung vào dịch vụ homestay, ông Agarwal đã chuyển hướng kinh doanh khi nhận ra rằng các khách sạn có thương hiệu gần như chỉ quan tâm tới phòng ốc rộng rãi, đắt tiền vượt quá nhu cầu chi trả của du khách Ấn Độ. Điều đó buộc những người có túi tiền không mấy dư dả phải “thử vận may” với các khách sạn nhỏ và chất lượng thì “có vào ở mới biết được”.

khach-san-binh-dan-tai-an-do-8306-154177

         Oyo Rooms lọt vào top 10 ở Trung Quốc - một thành quả trong mơ của Ritesh Agarwal

Khoảng trống ở Trung Quốc

Nhìn thấy cơ hội hấp dẫn mà thị trường bỏ quên, ông Agarwal quyết định triển khai một chuỗi khách sạn nhỏ, vừa túi tiền, nhưng vẫn bảo đảm vệ sinh và các dịch vụ cơ bản để phục vụ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, khác với một số đối thủ cạnh tranh, Oyo không sở hữu bất kỳ khách sạn nào trong mạng lưới của mình, mà thay vào đó chỉ thuê lại để vận hành hoặc nhượng quyền thương mại cho chủ sở hữu khách sạn để vận hành theo quy chuẩn mà Oyo đặt ra.

Với mỗi đồng doanh thu của từng khách sạn, phần dành cho Oyo rơi vào khoảng 20%. Chính mô hình hoạt động không cần nhiều vốn đầu tư như thế đã góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ của startup này.

Oyo cũng cho biết ngoài việc có diện mạo mới, các khách sạn trong hệ thống cũng được “nâng tầm” bằng cách cài đặt các phần mềm thân thiện với người dùng nhằm giám sát đội ngũ nhân viên phục vụ, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu suất đặt phòng và các dịch vụ đi kèm, như gọi đồ ăn, hay yêu cầu dọn phòng. Khách hàng đặt phòng của Oyo chủ yếu thực hiện qua trang web công ty và ứng dụng dành cho thiết bị di động của Oyo.

Hệ thống Oyo ở Ấn Độ hiện có 133.000 phòng khách sạn, gấp gần 4 lần số phòng của Marriott và Indian Hotel cộng lại. Tuy nhiên, với 1 tỷ USD vốn đầu tư từ SoftBank, Oyo muốn mạnh mẽ vươn ra ngoài biên giới, trong đó chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, gần như tất cả các chuỗi khách sạn Trung Quốc hiện nay đều tập trung vào phân khúc cao cấp. Vì vậy, phân khúc giá rẻ của Oyo về cơ bản là đang bỏ trống.

Nhưng mặc dù quy mô ngày càng tăng, con đường gây dựng danh tiếng của Oyo ở thị trường Trung Quốc không hề trải thảm hoa hồng.

Nhiều khách sạn được Oyo nhượng quyền vẫn đăng ký trên nền tảng Ctrip (dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc) dưới tên cũ (thay vì Oyo).

Tài khoản của Oyo trên WeChat - dịch vụ nhắn tin hàng đầu của Trung Quốc với hơn 800 triệu người dùng - cũng không có nhiều người theo dõi lắm.

 Hải Châu