NHNN "tuýt còi" việc đua lãi suất, vì sao có ngân hàng "lo sốt vó", nhưng có nhà băng lại dửng dưng?

00:00 12/10/2020

Cuộc đua lãi suất không đơn giản chỉ là ở kỳ hạn dài như niêm yết công khai ở các nhà băng...

Mới đây, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản "chỉnh đốn" các ngân hàng về việc tăng lãi suất thời gian qua. Theo cơ quan quản lý, động thái tăng lãi suất làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

Lãi suất không đơn giản chỉ như niêm yết

Như chúng tôi đã phản ánh, trong tháng 8 có nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi để hút vốn, một phần nhằm đáp ứng nhu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo yêu cầu của NHNN, phần khác có thêm nguồn vốn để kinh doanh dịp cuối năm. 

Trên biểu niêm yết của các ngân hàng cho thấy lãi suất có những bước tăng mạnh ở kỳ hạn 6 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi cao nhất đã lên đến 8,5 - 8,7% đối với sản phẩm thông thường còn dạng chứng chỉ tiền gửi thì lên đến trên dưới 10%. Đây đều là các mức lãi cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, khảo sát tại ngày giao dịch đầu tiên của tháng 9, lãi suất tiền gửi cao nhất thuộc về Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với 8,6 - 8,7%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên. Đứng thứ 2 là SCB với 8,45 - 8,55%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên còn kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm và 9 tháng là 8,15%/năm. Đứng thứ 3 là Eximbank với lãi suất cao nhất 8,3 - 8,4%/năm. Các vị trí tiếp theo thuộc về VPBank, NCB và TPBank quanh mức 8 - 8,2%/năm. ACB cũng trả lãi suất cao hơn 8%/năm nếu có tiền gửi từ 10 tỷ trở lên.

Nhóm có lãi suất cao ở mức cận kề 8%/năm còn phải kể đến VIB hiện là 7,9%/năm, tương đương mức gửi kỳ hạn dài với các khoản tiền thông thường của ACB, Nam Á, OCB, Bắc Á. Ngân hàng MSB lãi suất cao nhất là 7,8%/năm.

Các ngân hàng như MB, Techcombank, Sacombank lãi suất thấp hơn, cao nhất chỉ quanh 7,5%/năm. Còn lại nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% thì lãi suất cao nhất chỉ xấp xỉ 7%/năm.

Tuy nhiên đó chỉ là niêm yết và áp dụng với các khách hàng thông thường.

Theo khảo sát của chúng tôi và một số nguồn tin cậy cho thấy, nếu có khoản tiền gửi lớn, khoảng từ 5 tỷ đồng trở lên, người gửi có thể "mặc cả" được lãi suất ở các ngân hàng, mức cộng thêm khoảng 0,2 - 0,4 điểm phần trăm so với biểu niêm yết cho kỳ hạn dài là điều đơn giản.

Thậm chí, ngay cả với kỳ hạn 1 tháng, cũng có ngân hàng "mặc cả" được khi gửi nguồn tiền lớn. Đây là điều cấm kị và vi phạm quy định của NHNN, bởi lẽ từ năm 2011, NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi và từ 2013 đến nay là trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên do cần vốn nên vẫn cứ làm và "lách" rất tinh vi. Phương thức phổ biến nhất là ghi lãi suất trên sổ tiết kiệm 5,5%/năm, còn phần chênh lệch thì trả dưới hình thức tặng tiền vào tài khoản. 

Bị tuýt còi, nhiều ngân hàng lo sốt vó, có nhà băng lại dửng dưng

Trở lại với văn bản ngày 26/8 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó cơ quan quản lý nói rõ "sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN...".

Theo dự tính của thị trường rằng khi bị "tuýt còi", các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm lãi suất ít nhiều, nhưng bất ngờ là vẫn chưa nhà băng nào có động thái thay đổi biểu lãi suất niêm yết, ngược lại, họ vẫn tích cực quảng bá các chương trình lãi suất cao và khuyến mại hấp dẫn để thu hút người gửi tiền. 

Song, như đã đề cập, do các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là thả nổi, các ngân hàng có thể trả lãi tùy theo cân đối vốn của mình và diễn biến của thị trường, nên dù có đẩy lãi suất lên cao thì họ cũng không vi phạm, miễn sao tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động. Và chính bởi lý do này nên các ngân hàng đẩy lãi kỳ hạn dài lên cao vẫn khá bình tâm để tiếp tục chiến lược huy động vốn đã đề ra trước đó.

Cũng căn cứ theo văn bản ngày 26/8, cơ quan quản lý có lẽ đã phát hiện ra các trường hợp lách luật, cố tình vi phạm quy định về trần lãi suất dưới 6 tháng nên phải lên tiếng cảnh báo và tuyên bố sẽ xử lý. Do đó, ngân hàng nào đã bị vào "tầm ngắm" chắc chắn giờ này đang "lo sốt vó" vì không chỉ bị xử phạt mà còn bị thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Và nếu những ngân hàng vi phạm lo một thì các ngân hàng vi phạm đồng thời với việc đã phung phí chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng các tháng qua chắc chắn sẽ phải lo gấp nhiều lần bởi bị phạt đồng nghĩa với việc sẽ phải "ngồi chơi xơi nước" nhìn ngân hàng bạn đẩy mạnh kinh doanh trong mùa hoạt động sôi động nhất năm, trong khi kế hoạch cả năm lại có thể không hoàn thành.

Trong quá khứ, những trường hợp chi lãi ngoài sai quy định của NHNN đã bị xử lý rất nặng, đơn cử như nhiều cán bộ ở OceanBank trước đây phải vướng vòng lao lý.

Tùng Lâm