Mô hình “nhà bếp trên mây”: Cơ hội kinh doanh từ khủng hoảng

00:00 12/10/2020

Mô hình bếp tập trung hay “nhà bếp trên mây” (cloud kitchen) đem lại cơ hội doanh thu mới cho các dịch vụ gọi xe, đồng thời đe dọa nhà hàng truyền thống.

"Số 62! Số 62"!

Nhân viên đọc to đơn hàng vừa hoàn thành tại 1 GrabKitchen ở Bangkok, Thái Lan trong giờ ăn trưa. Gần 100 tài xế Grab có mặt tại đây để nhận đơn và chuyển cho khách hàng đang đợi.

GrabKitchen đầu tiên của Grab tại Thái Lan mở tháng 10/2019. Nó là khu bếp chung của 14 nhà hàng nổi tiếng. Khu vực chuẩn bị nằm bên trong để đảm quyền riêng tư.

"Tôi bất ngờ vì có thể gọi nhiều món và thanh toán một lúc", một khách hàng vừa mua cơm rang hải sản và pad Thái từ đây cho biết.

Những khu vực bếp tập trung hay "nhà bếp trên mây" (cloud kitchen) như thế này đang hiện diện nhiều hơn tại Đông Nam Á, hạ thấp rào cản gia nhập ngành dịch vụ ăn uống nhưng đồng thời cũng đe dọa nhà hàng truyền thống. Các hãng như Grab, Gojek nhảy vào đây nhằm kiếm thêm doanh thu từ phí giao hàng và cho thuê, đặc biệt khi dịch bệnh trên toàn cầu ảnh hưởng nặng nề tới nhu cầu gọi xe.

Đặc biệt, thị trường giao đồ ăn đang bùng nổ trong năm vừa qua. Theo báo cáo của Google, Bain & Co và Temasek, giao đồ ăn trực tuyến trong khu vực tăng gấp 13 lần so với năm 2015, đạt 5,2 tỷ USD. Báo cáo dự đoán thị trường sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, tương đương dịch vụ vận tải trực tuyến. Dịch bệnh đang giúp tăng tốc xu hướng này.

Grab mở hơn 50 cloud kitchen tại Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Singapore và Philippines. Công ty cũng ráo riết mở rộng tại Indonesia. Gojek mở 27 cloud kitchen tại thủ phủ Indonesia, sẵn sàng cho cuộc chiến khốc liệt.

Gojek Thái Lan mới đây công bố kế hoạch biến các xe tải thực phẩm thành thứ giống với cloud kitchen. Những chiếc xe của đối tác sẽ tập trung tại một địa điểm định sẵn và chuẩn bị đồ ăn để giao qua Get – thương hiệu của Gojek tại Thái Lan.

Trong cuộc họp báo, CEO Get Pinya Nittayakasetwat chia sẻ dịch vụ giao đồ ăn tăng trưởng hai chữ số nhờ dịch bệnh. Dự án của Get thu hút 40 xe đồ ăn đăng ký đến nay và dự kiến có khoảng 100 xe tham gia trong 3 tháng thử nghiệm.

Line – công ty của Nhật Bản nổi tiếng với ứng dụng chat – cũng cung cấp nhiều dịch vụ giao nhận tại Thái Lan thông qua nền tảng Line Man. Line muốn phá vỡ thế lưỡng quyền của Grab và Gojek tại đây. Chi nhánh địa phương ra mắt cloud kitchen đầu tiên trong tháng 6 với 13 nhà hàng, giao hàng trong phạm vi 25km. Waranan Chuangcham, Giám đốc Phát triển kinh doanh và Tiếp thị Line Man, ước tính sáng kiến sẽ tăng lượng đơn hàng trong khu vực từ 30 đến 50%.

Sự nổi lên của ứng dụng cloud kitchen là mối đe dọa với các chuỗi nhà hàng lớn. Điều đó đặc biệt đúng tại Philippines, quốc gia cấm ăn uống tại nhà hàng trong 3 tháng.

Jollibee Foods, công ty điều hành chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất Philippines, nhận giao đồ ăn tại nhà. Tuy nhiên, do công ty ưu tiên ăn tại chỗ, dịch vụ giao hàng bị quá tải. Một khách hàng tại Manila cho biết thường xuyên bị hủy đơn. Đáp lại, Jolibee nói sẽ đầu tư 7 tỷ peso (139 triệu USD) để mở cloud kitchen, kết hợp nhiều nhà hàng trong chuỗi và tối ưu ứng dụng cho hoạt động giao hàng. Tập đoàn muốn tận dụng tên tuổi của mình để giành lại khách hàng.

Với startup, cloud kitchen là ví dụ về cơ hội kinh doanh mới nổi lên từ khủng hoảng không được dự báo trước. Đông Nam Á đang là địa bàn đầu tiên cho hiện tượng toàn cầu này.

Du Lam