Lo sức hồi phục doanh nghiệp Việt trước ‘bóng ma’ Covid-19

00:00 12/10/2020

“Bóng ma” Covid-19 tiếp tục đe doạ sức hồi phục của các doanh nghiệp Việt vốn đang chật vật tháo gỡ các khó khăn, khi mà dịch bệnh ở trong nước trở lại với diễn biến phức tạp.

Mới đây, CTCP Tập đoàn PAN cho biết so với kế hoạch năm 2020, công ty đã hoàn thành 41% doanh thu và 31% lợi nhuận. Tính lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp (DN) ghi nhận 3.122 tỷ đồng doanh thu thuần và 95,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến tiêu cực, PAN tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

“Đứng hình” nhìn dịch bệnh trở lại

Tuy nhiên, trước những thông tin mới nhất về Covid-19 ở Việt Nam với những trường hợp mắc bệnh, lây nhiễm trong cộng đồng thì có thể nói “bóng ma” dịch bệnh đang trở lại. 

HINH-2835-1596189444.jpg

 DN vừa và nhỏ đối mặt nhiều chông gai phía trước khi dịch Covid-19 trở lại

Điều đó có thể đe doạ sức hồi phục và kế hoạch doanh thu lợi nhuận của các DN. Và với một DN Việt có tiềm lực mạnh như PAN, để tránh khỏi chuyện này cũng là cả thách thức không nhỏ.

Nhưng, nếu nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh và khả năng chống chịu của thương hiệu này trong nửa đầu năm nay trước tình hình dịch bệnh thì cũng đáng để các DN khác học hỏi. 

Đó là việc vừa chủ động ứng phó phòng chống dịch tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, vừa nỗ lực tháo gỡ khó khăn ở các công ty thành viên. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh quý II/2020 của PAN đã cải thiện đáng kể so với quý I.

Đơn cử như doanh thu thuần từ mảng giống tăng 6% kết hợp các biện pháp tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng gần 24% so với cùng kỳ. Các sản phẩm gạo đóng túi trong quý II cũng tiêu thụ mạnh. Hoặc như mảng hạt thúc đẩy tốt hoạt động bán hàng giúp doanh thu tăng trưởng 25%

Ở lĩnh vực thực phẩm, mảng tôm xuất khẩu của PAN với việc bắt đầu đưa vào khai thác vùng nuôi 90 ha mới và kho lạnh 6.000 tấn giúp duy trì doanh thu ổn định và lợi nhuận thậm chí tăng 2,3% so với cùng kỳ. 

Không chỉ với PAN, nhiều DN nội khác cũng có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2020 khá khả quan, đang trên đà hồi phục hậu Covid-19. Tuy nhiên, trước các diễn biến mới về dịch bệnh trở lại, đang cho thấy những dấu hỏi về sức chống chịu của DN Việt vẫn đang đầy chông gai ở phía trước.

Nhất là khi tác động khủng khiếp của Covid-19 đã len lỏi đến từng ngóc ngách trên thế giới và khiến một số ngành nghề dường như bị “đứng hình”. 

“Mặc dù được đánh giá là một trong năm quốc gia ứng phó tốt nhất với Covid-19, tuy nhiên Việt Nam không tránh khỏi sự giảm sút đáng kể của một số ngành”, Công ty nghiên cứu thị trường TopDev nhận định.

Liệu chủng virus corona này có gây ra đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai không? Theo Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam): "Hiện, chúng ta không thể biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào như thế, vì về bản chất mỗi đại dịch mới có thể hoàn toàn khác so với những đại dịch trước kia".

Ứng phó từ nhiều kịch bản khác nhau

Còn ở góc độ chủ một DN vừa và nhỏ ở quận 12 (Tp.HCM), ông Lê Văn Hiệp cho rằng bên cạnh cái nhìn lạc quan để các DN hồi phục hậu Covid-19 thì khi thông tin dịch bệnh trở lại khiến cho DN tồn tại một hướng nhìn bi quan hơn về tương lai. 

“Nếu điều đó xảy ra, các DN nội địa có thể gặp nhiều khó khăn trong dài hạn vì họ chưa đủ mạnh. Nhìn vào con số các DN phá sản từ đầu năm đến nay ở Tp.HCM đã thể hiện rõ điều đó”, ông Hiệp nói.

Ts. John Walsh cho rằng đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các DN này. 

Với ngành nông nghiệp Việt vốn đang trông chờ vào khả năng hồi phục thì thông tin dịch bệnh trở lại thực sự như một “gáo nước lạnh”. Và Ts. John Walsh đề xuất lấy bán hàng trực tuyến làm giải pháp đối phó với tình trạng hiện nay trong nông nghiệp. 

“Đây là điều mà một số nơi đã đang làm. Trung Quốc là một ví dụ cho thấy buôn bán nông sản trực tuyến có thể là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều chứng kiến số phương tiện chuyển phát tăng mạnh, và sẽ có DN vận hành theo cách này để duy trì hoạt động và dòng tiền, còn hơn là cùng nhau đóng cửa”, ông John nói.

Nhưng bắt đầu quy trình này ở Việt Nam “từ con số 0” sẽ rất khó khăn. Theo ông John, sẽ tốt hơn nếu đưa phương tiện vận chuyển hiện có trong chuỗi cung ứng ra vùng nông thôn nơi có nhu cầu hoặc có thể đẩy mạnh nhu cầu. Một số nơi ở Việt Nam đã chủ động quảng bá giá trị gia tăng hiện có hoặc tiềm năng của sản phẩm địa phương. 

“Dù điều này sẽ không thích hợp ngay với mọi nông dân, một số nhóm và tổ chức sẽ có lợi khi có nhiều cơ hội hơn trong sản xuất và phân phối các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận. Người tiêu dùng Việt cũng như người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới, đều có nhu cầu mua thực phẩm an toàn và sạch cho gia đình họ”, Ts. John Walsh khẳng định.

Về những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước hiện nay, giới chuyên gia lưu ý các tổ chức trên lãnh trách nhiệm đi đầu trong việc dự đoán (dù biết rằng khi thực tế thay đổi, dự đoán cũng phải thay đổi). Đặc biệt là cần lập kế hoạch cho tương lai, đồng thời sẽ xem xét các kịch bản khác nhau có thể xảy ra để các DN Việt có thể ứng phó trong hoàn cảnh khó khăn. 

Thế Vinh