Kết nối sử dụng hàng hóa - dịch vụ trong nước: Lợi ích nhiều mặt

00:00 12/10/2020

Để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng (NTD), việc kết nối sử dụng hàng hóa-dịch vụ được cho là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp (DN) Việt.

Tăng cường kết nối

Việt Nam hiện có hơn 90 triệu người với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ ngày càng cao xét cả về số lượng, chất lượng và sự đa dạng về chủng loại. Mặc dù chúng ta đã làm được nhiều việc để đưa hàng hóa - dịch vụ Việt Nam đến với NTD Việt Nam. Nhưng rõ ràng, khâu kết nối còn rất nhiều bất cập: Thông tin nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn… niềm tin vào hàng hóa - dịch vụ bị ảnh hưởng gây tổn thất về kinh tế, công ăn việc làm và gây ra các bức xúc xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của các DN về công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu tạo dựng niềm tin về nhãn hàng của DN chưa được quan tâm đúng mức. Ông Đào Hùng - Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực II - chia sẻ, hiện nay, khách hàng muốn chủ động đưa ra những ý kiến phản hồi, cải tiến hay thay đổi sản phẩm theo sự hiểu biết hay ý muốn của mình trong quá trình tương tác với DN. Tuy nhiên, các DN lại không tận dụng hết những lợi ích từ phản hồi của khách hàng, thậm chí không tìm hiểu phản hồi của khách hàng thông qua các điểm tương tác với họ.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng cường kết nối DN với người tiêu dùng để nắm bắt thị hiếu, lắng nghe ý kiến phản hồi để không ngừng cải tiến chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt là hết sức cần thiết.

Hiệu quả tích cực

Theo bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, các DN trong tập đoàn đã thực hiện liên kết với nhau để trao đổi và phân phối hàng hóa hai chiều trong hệ thống của nhau; đồng thời quan tâm đầu tư các hệ thống nhận diện thương hiệu tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm vừa để quảng bá sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng dễ nhận diện hàng thật và phân biệt hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, nhận thức được vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), DN đã chú trọng vào thiết kế, kiểm soát chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành, bình ổn giá bán, đáp ứng nhu cầu và thu nhập của đại trà dân số.

Với thế mạnh trong việc tham gia CVĐ, Vinatex đã phối hợp, liên kết hợp tác kinh doanh với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để cung cấp sản phẩm đồng phục, đẩy mạnh sử dụng sản phẩm của nhau.

Các thống kê của Vinatex cho thấy, doanh thu bán hàng theo hình thức này đã tăng đều qua các năm. Đơn cử như với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh số tăng từ 20 tỷ đồng (năm 2016) lên gần 30 tỷ đồng (năm 2017) và trong 9 tháng đầu năm nay, đạt 25 tỷ đồng. Hay với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, doanh số cũng tăng từ 12,3 tỷ đồng năm 2016 lên 19 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018.

Theo ông Đỗ Đức Thiện - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ kết nối của Đảng ủy Khối, nhiều DN trong khối đã liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau khá hiệu quả. Đơn cử như DN bảo hiểm sẽ liên kết bán sản phẩm cho một số tổng công ty, còn DN logistics thì ký kết hợp đồng vận chuyển cho đơn vị xuất khẩu…

Ông Đào Hùng - Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực II: Sẽ thật khó thuyết phục NTD mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước khi mà chất lượng sản phẩm dịch vụ kém, mẫu mã đơn điệu, thiếu tiện ích và các dịch vụ hậu mãi dường như không có so với các hàng ngoại nhập có mẫu mã bắt mắt, với nhiều tiện ích gia tăng và tính năng độc đáo, vượt trội…

Mai Ca