iNut Platform và hoài bão thiết thực của nhóm startup trẻ

00:00 12/10/2020

Mặc dù đã được du nhập vào Việt Nam khá lâu, cũng như được nhiều người nhắc đến, nhưng muốn tìm gặp được các công ty, dự án ứng dụng IoT (Internet of things - Mạng lưới thiết bị kết nối Internet) vẫn không phải điều dễ dàng. Hiểu được và cũng từng trải qua những vấn đề này, cùng với kinh nghiệm trong ngành IoT (từ lúc khái niệm IoT còn chưa được phổ cập tại Việt Nam), một nhóm dự án đã tự nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái Internet of Things là iNut với sản phẩm chính là iNut Platform – một hạ tầng kết nối vạn vật để các nhà phát triển IoT có thể dễ dàng làm ra các dự án ứng dụng công nghệ IoT, bao gồm cả các cá nhân và doanh nghiệp.

Gian hàng ý tưởng & công nghệ thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng, và cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Ý chí của những người trẻ

iNut khởi sự và chính thức hình thành với 3 thành viên sáng lập gồm Đoàn Vinh Phú, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh và Trương Trọng Thân. Dấn thân vào con đường startup, đặc biệt là với những người lựa chọn lĩnh vực công nghệ thì những khó khăn dường như không sao kể xiết. Từ việc thiết kế công nghiệp của sản phẩm chưa được đẹp, bắt mắt, sản phẩm còn đơn sơ và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, chưa có bao bì, app còn chậm, chưa tối ưu... cho đến việc có quá nhiều thứ cần phải làm khi nhân sự quá mỏng hay một khó khắn rất cơ bản là kỳ vọng và áp lực của gia đình về mặt tài chính…

Tuy vậy, đi kèm với các khó khăn, trở ngại đó là các cơ hội mới. iNut luôn xoay quanh các nguyên tắc nhất quán như tất cả phải mang đến những điều có lợi nhất cho khách hàng, các bạn đồng hành, cùng nhau đoàn kết và không bỏ cuộc. Bên cạnh đó, là những sự hỗ trợ, giúp đỡ đúng lúc của các cộng sự, bạn bè, các vườn ươm doanh nghiệp để nhóm dự án hoàn thiện sản phẩm… Lộ trình của iNut là những tháng ngày kỳ vọng, áp lực kéo dài, rồi lại cố gắng, lại kỳ vọng, lại áp lực, lại cố gắng... Tuy nhiên, những thành quả nhìn lại cũng là sự động viên cho cả nhóm với những đoạn đường đã đi qua:

Tháng 11/2017, đề xuất iNút là một thiết bị công tắc wifi thông minh.Tháng 12/2017, hoàn thành mẫu thử 1 điều khiển 1công tắc qua wifi nội bộ.Tháng 1/2018, bỏ dấu sắc của iNut và thành iNut.Tháng 4/2018,  hoàn thành mẫu thử 1 điều khiển 1 công tắc qua internet với cơ cấu bảo mật 2 khóa Preshare key.Tháng 8/2018, hoàn thành iNut Platform và tích hợp 3 khóa, trong đó token do người dùng có thể chủ động thay đổi và đề xuất các chuẩn QRCode để tích hợp.Tháng 10/2018, ra mắt iNut-Node-RED-Kickstarter để thử việc lập trình kéo thả.Tháng 12/2018, ra mắt iNut-Node-RED-IDE để triển khai việc lập trình kéo thả chỉ với mã QRCode.

Tối ưu hóa công nghệ nền tảngkhắc phục khó khăn về chi phí

 Nhóm Khởi nghiệp sáng tạo iNut Platform nhận giải thưởng Quán quân cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp Sv.Startup 2018

Hệ sinh thái kết nối vạn vật iNut được tạo nên bởi nhiều kết tinh công nghệ, cả về phần cứng, phần mềm lẫn mạng truyền thông. Đặc biệt, trong số đó phải kể đến việc đưa mô hình lập trình kéo - thả vào trong việc lập trình IoT. Thay vì vài chục nghìn dòng code và vô số các thuật toán phức tạp, iNut đã đem việc lập trình IoT trở nên đơn giản thành các khối lệnh, và việc của các nhà phát triển bây giờ chỉ đơn giản là kéo thả các khối lệnh có sẵn đó theo một trật tự logic mà mình muốn. Từ đó, đã hình thành nên những giao diện giám sát và điều khiển IoT rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, bảo mật cũng là một trong những yếu tố quyết định làm cho khách hàng mạnh tay lựa chọn iNut làm hạ tầng cho các dự án IoT của mình. Với công nghệ bảo mật phân tầng 3 lớp khóa, trong đó, chiếc chìa khóa chính và quan trọng nhất nằm trên thiết bị của khách hàng. Và chỉ duy nhất khách hàng là người có quyền định đoạt và kiểm soát nó. Ngay cả đến đội ngũ iNut cũng không cách nào truy cập được nếu khách hàng không cho phép. Nó là tiền đề để nhóm dự án tự tin làm việc với các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp và nhà máy tại Việt Nam với giải pháp IoT điện toán biên – giúp khách hàng bảo mật toàn bộ dữ liệu của họ ngay trong mạng nội bộ mà không có bất kỳ bên thứ 3 nào có thể truy cập được. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mà trên thị trường hiện chưa có giải pháp nào tương tự.

Tất cả những việc trên đã giúp giảm ít nhất là 30% chi phí cho mỗi dự án IoT (so với việc khách hàng tự xây dựng hạ tầng IoT cho riêng mình). Giúp giảm bớt các nỗ lực và công sức phải bỏ ra khi tự làm mọi thứ trong IoT, và với iNut, các nhà phát triển chỉ cần tập trung vào khâu thiết kế và xây dựng ứng dụng thông minh IoT. Bên cạnh đó là rút ngắn thời gian hoàn thành dự án xuống còn 2-3 tháng (so với 6 tháng – 12 tháng như trước đây). Đồng thời cũng đảm bảo được sự ổn định và có thể mở rộng thêm nhiều tính năng khác trong tương lai.

Cảm hứng lớn từ những nút bấm công tắc

Câu chuyện bảo mật, là một trong những bài toán gây nhức đầu tất cả các doanh nghiệp làm IoT chứ không riêng gì iNut, và nó cũng thực sự là một cản trở rất lớn khiến IoT chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đội ngũ iNut khi bắt tay làm công nghệ bảo mật được truyền cảm hứng bởi câu chuyện bảo mật của Apple với các dòng iPhone, iPad, Macbook. Từ đó, iNut quyết tâm tìm và xây dựng nên một công nghệ bảo mật để mọi lợi ích tập trung xoay quanh khách hàng, người dùng cuối sao cho họ có thể toàn quyền quyết định với các thiết bị IoT.

Góp mặt trong cuộc thi World Technopolis Association (WTA) 2018 Binh Duong Smart City Initiative Competition với Giải Đặt biệt cho những sáng kiến và tính ứng dụng ưu việt.

Một câu chuyện thú vị về việc hình thành tên thương hiệu iNut như ngày nay, đó là từ ban đầu, tên chính thức của dự án là iNút – thể hiện một nút bấm công tắc wifi (sản phẩm đầu tiên ra mắt). Còn chữ i là đại diện cho intelligent, internet, integration. Ý muốn nói đến một chiếc "nút' có "trí tuệ" (intelligent), có "kết nối internet" (internet) và có thể tích hợp "integration". Dự án bắt đầu từ cuối năm 2016 và dần dần mở khóa từng hạng mục intelligent, internet, integration… Nhưng nếu chỉ với một nút bấm như vậy thì quá đơn giản và không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, nên sau nhiều lần chỉnh sửa, làm đi làm lại thì trở thành một dạng platform hoàn chỉnh. Sau này, khi đi giới thiệu sản phẩm đến các hội chợ, triển lãm công nghệ có người nước ngoài nhóm sáng lập dự án mới phát hiện ra người nước ngoài rất khó phát âm dấu sắc trong tiếng Việt. Vì vậy, nhóm quyết định bỏ dấu sắc đi để còn lại thành iNut, với hy vọng việc dễ đọc sẽ giúp cho thương hiệu có thể bay xa hơn ở các nước khác.


Các nhân vật khởi sự iNut Platform: 1. Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (Cựu sinh viên lớp Cử nhân tài năng CNTT - Trường ĐH KHTN TP.HCM) 2. Đoàn Vinh Phú (Sinh viên ngành Kiểm toán - Trường ĐH Kinh tế - Luật) 3. Trương Trọng Thân (Sinh viên ngành Cơ Điện tử - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM)

Anh Thư