EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam đã nhập cuộc nhưng phía trước còn một chặng đường dài

08:41 20/10/2020

Đến thời điểm này, các cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại đã bắt đầu được hiện thực hóa, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam đã chủ động tận dụng ưu đãi để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa những cơ hội và nhanh chóng đạt tới con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như kì vọng ban đầu, doanh nghiệp (DN) cần am hiểu nhiều hơn nữa về những quy chuẩn để đáp ứng yêu mà thị trường EU đặt ra.

 

EU được coi là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua

Những  kết quả đáng khích lệ

Hiệp định EVFTA là FTA thứ 13 có hiệu lực và là FTA thế hệ mới thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA là một Hiệp định đặc biệt, vì vậy, EVFTA thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. EU được coi là đối tác nhập khẩu hàng đầu với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore) vì thế EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, EVFTA cũng tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ một đối tác đầu tư FDI hàng đầu thế giới, với nguồn vốn, công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay. 

Theo Asia Times đánh giá, Hiệp định này cũng được coi sẽ là một lợi ích cho các nhà đầu tư châu Âu muốn tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và vị trí thuận lợi của Việt Nam như một sự thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tăng gần 9 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.                        

Sau 2 tháng triển khai, Hiệp định EVFTA đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa; đặc biệt trong một số lĩnh vực như giày dép, thủy sản, cà phê, dệt may, rau quả... Theo số liệu của Bộ Công thương, chỉ trong tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 với kim gạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu EU. Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, xuất khẩu nông- lâm-t hủy sản của Việt Nam cũng đã bắt đầu khởi sắc. Cùng với đó, các đơn hàng thủy sản xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng lên 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020 và 126 tấn gạo thơm Việt Nam đã sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020.

Có thể nói, các kết quả bước đầu thực thi EVFTA tại Việt Nam là đáng khích lệ khi chỉ mới áp dụng được 2 tháng. Giai đoạn đầu tuy các bên còn có vướng mắc nhưng đã dần suôn sẻ hơn. Đây chính là tín hiệu rất khả quan đối với tận dụng ưu đãi từ một FTA mới được thực thi bởi các FTA mà Việt Nam có trước đây đều phải mất tới hàng chục năm mới đạt được tỉ lệ tận dụng ưu đãi xấp xỉ 30%.

Vẫn còn những trở ngại, rào cản

Tham gia EVFTA với những tín hiệu lạc quan, thế nhưng để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa những cơ hội và nhanh chóng đạt tới con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như kì vọng ban đầu,doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ hơn về các cam kết Hiệp định EVFTA mang lại, liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch hành động, tận dụng hiệu quả các ưu đãi.

 

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, để hàng hóa tiếp cận được thị trường EU thì quy tắc xuất xứ, quy định kỹ thuật là những yếu tố quan trọng mà DN Việt Nam cần lưu ý, nhất là trong lĩnh vực thủy hải sản. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thách thức cho DN khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải nắm vững điều này để hỗ trợ DN. Vì vậy, DN Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này để điều chỉnh cho phù hợp. "Tôi cho rằng sẽ có làn sóng mới đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới, vì nhiều tập đoàn đã có ý định sang Việt Nam mở rộng đầu tư sau khi EVFTA có hiệu lực", ông Nicolas Audier nhận định.

Chuyển sang các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, ông Audier đã chia sẻ về sự cần thiết của các công ty để đáp ứng các tiêu chuẩn cao, chẳng hạn như quyền sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý. Theo ông, tiêu chuẩn môi trường cũng là một phần quan trọng của EVFTA, và các doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ông Audier nói thêm rằng, người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường.

 

Ông Oliver Regner - Giám đốc điều hành của EuroCham 

Bàn về những rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng khi tham gia Hiệp định EVFTA, ông Oliver Regner - Giám đốc điều hành của EuroCham cho rằng: “Về Hiệp định EVFTA không chỉ đơn thuần là Hiệp định thương mại tự do mà còn là thương mại công bằng. Điều này thể hiện rất rõ trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, tức là ngoài những vấn đề về thuế xuất nhập khẩu hay lệ phí hải quan, chúng ta còn có những trở ngại về rào cản thương mại, rào cản phi thuế quan, quy định về kiểm dịch động, thực vật. Nếu chúng ta muốn bán sản phẩm của Việt Nam sang châu Âu và tiếp cận thị trường của châu Âu, chúng ta sẽ phải thực thi không chỉ những điều kiện của EVFTA mà còn phải tuân thủ Hiệp ước về lao động quốc tế ILO, các vấn đề về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh và thực thi các nguyên tắc về phát triển bền vững. Tôi tin đó cũng chính là mối quan tâm lớn của thị trường châu Âu”.

Có thể đánh giá rằng, EVFTA là một hiệp định thương mại lịch sử sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế. Đồng thời, EVFTA cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp của cả EU và Việt Nam nâng cao nhận thức và năng lực. Nếu doanh nghiệp không thể cạnh tranh trên sân nhà thì doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh trên thương trường thế giới.

Nói về những triển vọng của Hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới, Giám đốc điều hành của EuroCham - Oliver Regner đã nhận xét: “Sự gián đoạn thương mại toàn cầu đã gây ra tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm và các doanh nghiệp buộc phải tìm các nguồn và giải pháp thay thế. Tuy nhiên, hiện nay EVFTA đã có hiệu lực và xóa bỏ 70% thuế đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU và 65% thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU, EVFTA sẽ tạo cơ hội phục hồi kim ngạch xuất khẩu cho cả hai bên. Hơn nữa, Việt Nam là nước đi đầu trong việc ký kết FTA với EU. Do đó, EVFTA sẽ là cơ sở để EU ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác với nhiều nước ASEAN sắp tới. Vì vậy, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp châu Âu mở rộng thị trường và phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực phát triển nhanh nhất thế giới và giúp họ định vị mình tại các thị trường mới trong tương lai”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu là một thách thức lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là mảng hậu cần, hiện nay có đến 83% các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch, nhất là khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài. Hiện nay, 65% hàng hóa được nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được nằm trong danh sách ưu đãi của EVFTA. Đây cũng là những cơ hội và thách thức mới dành cho doanh nghiệp của cả hai phía. 

“Việc Hiệp định có hiệu lực đẵ khẳng định Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây cũng là một bước tiến để Việt Nam tiếp tục ký kết các Hiệp định thế hệ mới”, ông Oliver Regner - Giám đốc điều hành của EuroCham nhận định.

Là một DN làm ăn lâu năm với các DN EU, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho rằng, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng tiêu dùng và cho người tiêu dùng tại Việt Nam, bởi các biểu thuế được giảm ít nhất 30%-40%. Thời gian tới, khi các khu miễn thuế mọc lên, Việt Nam có thể thu hút 100 triệu du khách đến đây mua đồ hiệu miễn thuế. Ước tính các khu kinh tế như Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Đà Nẵng sẽ tiêu thụ 3-5 tỉ USD/năm hàng hóa từ EU. Tuy nhiên, châu u không chấp nhận kiểu làm ăn "sáng nắng chiều mưa". Với họ, chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và lòng tin là rất quan trọng. Đặc biệt, người châu u quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng xã hội, trách nhiệm của chủ DN với người lao động chứ không chỉ chú trọng hàng hóa. Vì vậy làm ăn lâu dài với họ đòi hỏi DN Việt Nam phải giữ chữ tín.

Bảo Trinh