Dự án BT: Đại biểu lo biến tướng thành “giao dịch ngầm”

00:00 12/10/2020

Với nhiều khoảng trống pháp lý, đại biểu Quốc hội lo ngại, dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại biểu Mai Sỹ Diến.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (29/10), Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề cập tới "khoảng trống pháp lý" của các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ông Diến cho biết, có tới hơn 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Cụ thể, chỉ 1/12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Trong khi đó, thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.

"Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Đồng thời chỉ ra nhiều bất cập như tại nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… nhưng thực chất đều là một người lập nhưng "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp.

"Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoái cho ngân sách. Từ đó đặt câu hỏi việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách. Vậy có nên thực hiện tiếp hay không? Có cần thiết phải có thể chế mới về hình thức đầu tư này hay không? Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo Quốc hội", ông Diến nói.

Liên quan tới các dự án BT, Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết, bà đồng tình với quyết định của Bộ Tài chính vừa qua, khi tạm đình chỉ thực hiện dùng quỹ đất công thanh toán cho các dự án BT.

"Tuy nhiên, việc đình trệ này gây thiệt hại cho nhà đầu tư đã triển khai dự án. Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư đã ứng vốn làm dự án", bà Lịch nói.

Đại biểu Trần Đăng Ninh cũng cho rằng, dừng thanh toán quỹ đất của các dự án BT để chờ có hướng dẫn mới là một trong số những điểm nghẽn của các dự án BT. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đã ứng vốn thực hiện dự án.

LÂM AN