Đòn bẩy cho ngành công nghiệp ôtô

00:00 12/10/2020

Toyota Việt Nam vừa sản xuất trở lại mẫu xe Fotuner, Vinfast cũng đã ấn định việc chính thức đưa ra thị trường mẫu xe ôtô thương hiệu Việt- VinFast Fadil - trong tháng 6 này. Điều đó cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của thị trường ôtô trong nước rất lớn, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô. 

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến năm 2018, ngành sản xuất ôtô trong nước có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ôtô bao gồm: Ôtô con, ôtô tải, ôtô khách, ôtô chuyên dùng và ôtô sát xi. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 800 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng thị trường xe du lịch khoảng trên 200 nghìn xe/năm.

Những hạn chế cho phát triển công nghiệp ôtô đã được nhắc tới nhiều, đó là dung lượng thị trường chưa đủ lớn, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao..., khiến giá xe sản xuất trong nước cao hơn một số nước trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã đưa ra một số một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước với mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn trước mắt là cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu, các thương hiệu của các tập đoàn toàn cầu hiện có. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường "ngách", các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

don bay cho nganh cong nghiep oto

Chính sách thuế được xem là đòn bẩy tích cực cho ngành công nghiệp ôtô

3 nhóm giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra gồm: Tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ôtô trong nước (khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước); tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước với một số các sản phẩm ôtô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một trong những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô được các chuyên gia kinh tế nhắc tới là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quý I/2019.

Ở góc độ bộ quản lý, Bộ Công Thương cho rằng, chính sách thuế này là cần thiết và có thể xem là đòn bẩy tích cực cho phát triển công nghiệp ôtô. Nếu không có các ưu đãi về phương pháp tính thuế TTĐB so với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất, lắp ráp ôtô con sẽ khó có thể duy trì do không thể cạnh tranh được với làn sóng ôtô nhập khẩu. Bên cạnh đó, chính sách này không chỉ tạo được hiệu ứng lan tỏa cho ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như hệ thống cung ứng, dịch vụ vệ tinh của ngành ôtô mà còn tạo thêm việc làm và tăng thu ngân sách đáng kể trong dài hạn.

Cũng theo Cục Công nghiệp, trong ngắn hạn, có thể chính sách mới sẽ tạo ra các khoản hụt thu ngân sách do cách xác định giá tính thuế TTĐB mới sẽ làm số thuế thu được tạm thời giảm. Tuy nhiên, thiếu hụt ngân sách do giảm thuế sẽ được bù đắp nhờ việc tăng số lượng xe phải đóng thuế, bởi nếu bảo vệ được thị trường nhằm phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô nội địa, lượng cầu trên thị trường cho ngành công nghiệp ôtô trong nước trong thời gian 3 - 5 năm tới sẽ tăng mạnh.

Cùng với những chính sách hỗ trợ về thuế, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được dự báo sẽ có những thay đổi khả quan trong 3 - 5 năm tới.

Duy Minh