Doanh nghiệp ứng biến trước sự thay đổi thói quen mua sắm hậu COVID-19

00:00 12/10/2020

Việc hiểu được thói quen mua sắm của người dùng sẽ giúp các nhà sản xuất, phân phối hiệu chỉnh lại các chiến lược nhằm định hướng phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Đức Giáp - một nhà phân phối sản phẩm Orenji tại Hà Nội cho biết, đang cung cấp các sản phẩm như lau sàn, xịt đa năng, xịt côn trùng, xịt bếp, xịt giày... Tuy nhiên, các sản phẩm này bán khá chậm, doanh thu bị giảm sút khoảng 20% so với mọi năm.

Trong nguy sẽ có cơ

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Giáp nhìn nhận: Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ nano diệt khuẩn mới, không chứa hóa học, an toàn cho người sử dụng. Do vậy, giá cao hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại nên càng khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người dùng phải "thắt lưng buộc bụng" vì COVID-19.

thay-doi-thoi-quen-mua-sam-3355-15997306

 Thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi bởi dịch COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Anh Maca (Đà Lạt), bình thường sản phẩm mắc ca của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, do giá cao hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do doanh nghiệp phải cạnh tranh với thương lái để thu mua nguyên liệu, hàng vào siêu thị phải chịu chiết khấu cao...

Khó khăn là vậy nhưng đại diện công ty Hoàng Anh Maca tin tưởng, đây cũng là thời điểm thích hợp để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm do nhập khẩu mắc ca gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Theo đó, bà Huyền mong muốn được "bắt tay" với các doanh nghiệp sản xuất nông sản khác để xây dựng một hệ thống bán lẻ sản phẩm tới tận tay người dùng cuối cùng. Điều này giúp khẳng định được thương hiệu, cắt giảm chi phí trung gian để mắc ca Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dịch COVID-19 có thể khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình cảnh khó khăn, chấp nhận hạ giá nhưng hàng vẫn không bán được. Mặc dù vậy, thị trường nội địa vẫn đang rất tiềm năng với các doanh nghiệp trong nước, có sức mua gần 100 triệu dân.

Do vậy, để chinh phục được người dùng trong nước, trước tiên doanh nghiệp phải thấu hiểu thói quen tiêu dùng, tính tới cả phương án trong giai đoạn hậu COVID-19.

Theo nghiên cứu mới đây của công ty Nielsen, người tiêu dùng sẽ chịu tác động bởi 4 mô hình mới về hành vi và kinh tế xã hội đang hình thành. Phụ thuộc vào sự suy giảm kinh tế, lạm phát, sinh kế cá nhân và những lo ngại về chăm sóc sức khỏe. Các mô hình này bao gồm: Tái thiết lập giỏ hàng; Tái thiết lập lối sống tại nhà; Tái thiết lập động lực mua sắm và tái thiết lập khả năng chi tiêu. Đây không chỉ trở thành động lực tiêu dùng chính mà còn định hình trạng thái tương lai của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Dẫn dắt nhu cầu người dùng

Ông Scott McKenzie, Trưởng bộ phận Nielsen Intelligence Unit toàn cầu, đánh giá giỏ hàng tiêu dùng nhanh đang được tái thiết lập và người tiêu dùng sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn các sản phẩm mà họ cho là thiết yếu trong thời gian sắp tới.

Một sự dịch chuyển khác nữa của người tiêu dùng mà Nielsen dự đoán là nhu cầu trải nghiệm thương hiệu tại nhà vẫn tồn tại ngay cả khi dịch COVID-19 được khống chế. Tại Việt Nam, 82% người tiêu dùng cho biết sẽ giảm tiêu thụ bên ngoài, dẫn đến doanh thu tăng cao của các ngành hàng như sợi ăn liền (+14,1%), xúc xích tiệt trùng (+17,9%), thực phẩm chế biến món ăn (+7,4%)...

Ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao, bộ phận đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam, nhấn mạnh, các công ty sản xuất nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới sẽ thành công trong việc chinh phục người dùng. Theo đó, các công ty có thể nắm bắt được cơ hội trên bằng cách mang đến những sản phẩm tự làm tại nhà với giá phải chăng, dễ tiếp cận và có thương hiệu.

Theo ông Phan Hải, Giám đốc công ty TNHH BQ, hành vi của người tiêu dùng trong và sau dịch COVID-19 đợt 1 đã thay đổi rõ rệt và dịch COVID-19 đợt 2 là thời gian lý tưởng để người tiêu dùng khẳng định lựa chọn hành vi tiêu dùng của mình. Ngoài nhu cầu tiện lợi, người tiêu dùng còn hướng đến nhu cầu an toàn, yêu cầu về yếu tố sức khỏe, môi trường trong kinh doanh. Hành vi của người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp của phải thay đổi để thích ứng theo kịp.

Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Vicommerce (quản lý chuỗi siêu thị Vinmart), nhìn nhận thị trường bây giờ là sân chơi phẳng, không còn quá nhiều ranh giới giữa hàng nội địa hay hàng ngoại. Vì vậy, chỉ có cách là doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình không chỉ ở khâu nghiên cứu ra sản phẩm mà còn phải tạo ra sự khác biệt cho chính sản phẩm của mình. Sự khác biệt của sản phẩm đôi khi nằm ở việc tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Bà Tâm nói: "Có thể giai đoạn trước, nhà sản xuất đặt sản phẩm là trung tâm thì giờ nên đặt khách hàng làm trung tâm. Khi khách hàng có trải nghiệm tốt cho sản phẩm, mỗi người tiêu dùng là kênh truyền thông hiệu quả. Đặc biệt, cần phải tạo ra các sản phẩm có thể dẫn dắt được nhu cầu của người tiêu dùng".

Về phần Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ đề xuất bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam trong giai đoạn tới.

Lê Thúy