Diễn biến lãi suất ngày càng tích cực

00:00 12/10/2020

Việc giảm lãi suất điều hành sẽ khiến các NHTM có dư địa để giảm lãi suất các khoản cho vay mới. Tính đến hiện nay, hầu như tất cả các ngân hàng đều đã công bố các gói tín dụng hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch bệnh. Tổng các gói vay ưu đãi lãi suất đã đạt con số trên 250.000 tỷ đồng.

Lãi tiết kiệm nhiều động lực giảm

Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, trong suốt tháng 2/2020 vừa qua nguồn tiền gửi ở các NHTM vẫn tăng đáng kể. Mặc dù, dịch Covid-19 bùng phát tạo tâm lý đè nặng lên hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì trệ và gây ra suy giảm nhu cầu nên động lực thúc đẩy đầu tư vào kênh tiết kiệm tăng cao hơn so với mọi năm.

Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2020, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nguồn tiền gửi của hệ thống NHTM đã có sự tăng trưởng rõ nét. Tại Hà Nội, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 2 năm 2020 đạt mức 3,566 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2019. Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 2 đạt mức 2,553 triệu tỷ đồng, 2 tháng đầu năm tăng 0,23% so với cuối năm 2019.

Ảnh minh họa

Ngoài việc dồi dào nguồn vốn huy động, trong hai năm vừa qua, vì để đảm bảo đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel 2 nhiều NHTM đã tăng mạnh vốn tự có thông qua việc phát hành thêm cổ phần, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm theo hướng tăng lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để thu hút người gửi tiền dài hạn nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Trong khi đó, trước diễn biến lan rộng của dịch bệnh Covid-19, trong các tháng đầu năm 2020 các tổ chức tài chính quốc tế như IFC cũng đã gia tăng tài trợ thương mại cho các ngân hàng Việt Nam. Hiện mức tài trợ thương mại của IFC cho các nhà băng như TPBank, VIB, VPBank, ABBank đã tăng lên mức 294 triệu USD tính đến đầu tháng 3/2020.

Tất cả những diễn biến trên khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng đến thời điểm hiện nay khá dồi dào. Trong khi nhu cầu vay vốn có xu hướng chậm lại do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm các NHTM có nhiều động lực để giảm nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn. Bởi việc giảm nhẹ lãi suất huy động trong thời điểm này một mặt sẽ hỗ trợ các nhà băng tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, tiết giảm được chi phí sử dụng vốn khi lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đều ở mức thấp. Việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp các NHTM giữ biên độ sinh lãi không bị co hẹp khi thực hiện các biện pháp giảm lãi vay và giãn nợ hỗ trợ nền kinh tế. Mặc khác, hiện nay NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhà băng và khách vay đều có vốn rẻ

Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn bằng VND (có hiệu lực từ ngày 17/3), trên thị trường hàng loạt các ngân hàng đã thay đổi biểu niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng, trong đó Vietcombank và VietinBank lần lượt giảm 0,05% và 1% đối với kỳ hạn 3 tháng về các mức 4,7%/năm và 4,75%/năm; OCB giảm từ 0,2% - 0,3% cho tất cả các kỳ hạn; LienVietpostBank giảm 0,4% với kỳ hạn 1-2 tháng; NamA Bank và TPBank lần lượt giảm lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%/năm và 4,7%/năm.

TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định mức độ giảm lãi suất của NHNN lần này khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát và tỷ giá, bởi trong 2 tháng đầu năm lạm phát bình quân tăng 5,91%, cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Trong khi đó, sức ép tỷ giá những tuần vừa qua cũng đã giảm nhiều sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có hai lần giảm lãi suất định hướng liên tiếp trong vòng hai tuần đầu tháng 3. Hiện nay NHNN giảm lãi suất điều hành sẽ càng giúp giảm áp lực tỷ giá cho VND/USD.

Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm các loại lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng sẽ hỗ trợ tốt cho thanh khoản hệ thống. Nếu trong các tháng tới lạm phát có khả năng diễn biến giảm thì NHNN sẽ tiếp tục có cơ hội cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn mà không quá lo về nguồn gửi tiết kiệm của các nhà băng. Bởi hiện nay, với mức giảm hiện tại kể cả lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn ở mức trung bình 4,7-4,75%/năm. Nghĩa là kênh tiết kiệm vẫn có sức hút đối với dòng tiền.

Trong khi đó, việc giảm lãi suất điều hành sẽ khiến các NHTM có dư địa để giảm lãi suất các khoản cho vay mới. Tính đến hiện nay, hầu như tất cả các ngân hàng đều đã công bố các gói tín dụng hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch bệnh. Tổng các gói vay ưu đãi lãi suất đã đạt con số trên 250.000 tỷ đồng. Nhiều NHTM đã bắt đầu giải ngân các gói vay này. Vì thế hiệu ứng lãi suất giảm cùng chiều chắc chắn sẽ được duy trì và lan tỏa trong các tháng tới.

Thạch Bình