Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Với một số tồn tại như xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương; việc lấy ý kiến còn hình thức, đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) đề nghị đặc biệt quan tâm kỷ luật lập pháp.
Theo ông, Chính phủ nên phân công một phó thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, coi đó là điểm đánh dấu năng lực điều hành.
Về thành phần ban soạn thảo, ông Vân cho rằng phải mở rộng để kiểm soát quyền lực, phản biện chính sách ngay từ quá trình xây dựng dự thảo.
Những nguy cơ ảnh hưởng an ninh kinh tế
Đáng chú ý, đại biểu Lê Thanh Vân đưa ra đề xuất xây dựng luật an ninh về kinh tế với 8 lý do.
Trước hết là xuất phát từ nguy cơ đe doạ đến an ninh kinh tế như nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề xuất xây dựng luật về an ninh kinh tế. Ảnh: quochoi.vn.
Ông dẫn chứng việc hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong nhiều công cụ ở các lĩnh vực từ du lịch đến hoạt động kinh doanh khác; hay vấn đề dự án bất động sản ven biển đang được dư luận quan tâm...
Một số lý do khác xuất phát từ nguy cơ bất ổn cân đối vĩ mô qua chỉ số tăng trưởng đầu tư công, an toàn chính sách tài khoá; tham nhũng qua dự án hợp tác quốc tế, lợi dụng hợp tác để che giấu âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm nhằm thao túng kinh tế; tham nhũng từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch đất đai…
“Ngoài ra, tác động toàn cầu hoá do đại dịch Covid-19 cho thấy thế giới đang được vẽ lại bản đồ chính trị - kinh tế. Lỗ hổng toàn cầu thông qua đại dịch buộc các quốc gia thắt chặt an ninh kinh tế theo cách riêng của mình, đó là bảo đảm nội lực để ngăn tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của dịch có thể phá vỡ độ liên kết giữa các quốc gia trong hoạt động kinh tế”, ông Vân phân tích.
Theo ông, luật an ninh về kinh tế có thể tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế để chế định vấn đề mang tính nguyên tắc nhất, để xử lý vi phạm liên quan an ninh kinh tế.
Băn khoăn việc rút Luật Đất đai
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi.
Nếu kịp sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Ảnh: quochoi.vn.
Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021 theo hướng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết đánh giá, làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai chứ không phải một số điều để khắc phục vướng mắc, phù hợp thực tiễn.
“Vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần kiến nghị Quốc hội hoàn thiện luật. Việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, nếu chậm xem xét sửa đổi bổ sung thì ảnh hưởng đến điều hành, quản lý thúc đẩy kinh tế xã hội và giữ vững trật an toàn xã hội”, bà Xuân kiến nghị.
Ngoài ra, nữ đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm, báo cáo rõ nguyên nhân của việc chậm trễ, xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại tại kỳ họp trước, Luật Đất đai được thống nhất đưa vào chương trình vì rất quan trọng, phần lớn tranh chấp, xung đột do đất đai, doanh nghiệp nguy khốn mà người dân cũng vô cùng vất vả, song đến nay vẫn còn sự lúng túng trong xác định các nội dung này.
Hoài Vũ