Câu chuyện về dán mác "made in Vietnam"

00:00 12/10/2020

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 4/7, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, vẫn chưa có quy định rõ ràng thế nào là hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam...

Trước đó, báo chí đã phản ánh việc doanh nghiệp Asanzo bóc tem made in China để thay thế bằng Made in Vietnam. Loạt bài phóng sự nhiều kỳ cho rằng, một số sản phẩm của Asanzo dính líu đến chuyện "đội lốt" thương hiệu Việt để lừa người tiêu dùng. Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Xung quanh vụ việc này, tại buổi họp báo thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ vẫn tích cực và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới vụ việc. Hiện tại Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính tích cực để làm rõ", ông Hải nói.

Trả lời thêm về câu chuyện dán mác "made in Vietnam", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định 43 quy định bắt buộc mọi hàng hoá đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như xuất xứ hàng hoá...

"Nghị định này cũng quy định doanh nghiệp, cá nhân lưu thông hàng hoá phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hoá. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ", ông Hải nói.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý theo ông Hải, đó là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Ông Hải lấy ví dụ, để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D thì phải đáp ứng tỷ lệ 40% nguyên liệu trong ASEAN. Nhưng một sản phẩm có thể có 20% nguyên liệu Malaysia, 15% Indonesia, còn lại 5% của Vệt Nam vẫn sẽ được cung cấp nguồn gốc xuất xứ mẫu D.

"Trong trường hợp các mẫu khác thì việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cũng không thể nói lên tỷ lệ của Việt Nam mà của cả khu vực", ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, Bộ Công Thương đang soạn thảo để làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của VN, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Việc soạn thảo bộ quy định này được diễn ra từ năm 2018 sau hàng loạt các vụ việc "đột lốt" hàng Việt Nam diễn ra.

Gia Gia