Cà phê Việt – nối dài niềm vui…

00:00 12/10/2020

Robusta của Việt Nam - một trong những loại cà phê được đánh giá là ngon nhất thế giới - tiếp tục khẳng định chất lượng và uy tín khi mới đây đã được Coca-Cola lựa chọn để sản xuất sản phẩm cà phê uống liền mang tên Georgia Coffee Max.

Cùng với sản phẩm Coca-Cola thêm cà phê nguyên chất mới ra đời cách đây 4 tháng, Coca-Cola đang gia tăng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là hạt cà phê Việt Nam. Đặc biệt, với giá bán chỉ vào khoảng 12.000 đồng/lon, bằng mạng lưới phân phối và đại lý rộng khắp, Coca-Cola không giấu tham vọng sẽ đưa sản phẩm Georgia Coffee Max cạnh tranh trực tiếp với hệ thống cà phê bình dân trên khắp cả nước.

Sản phẩm Georgia Coffee Max của Coca-Cola

Sự kiện của Coca-Cola cũng nối dài thêm niềm vui cho hạt cà phê trong hoạt động đẩy mạnh chế biến sâu. Trước đó, vào tháng 7, Tập đoàn Nestlé cũng ra mắt dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto tại Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai).

Là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, cà phê Robusta Việt Nam được xếp vào một trong những loại ngon nhất thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê.

Tuy nhiên, do 90% là xuất khẩu thô nên cà phê Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới, hạt cà phê cũng dễ bị ép giá khi xảy ra tình trạng dư cung. Đơn cử, chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,447 triệu tấn, trị giá 2,75 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng nhưng giảm 0,5% về trị giá so với 9 tháng năm 2017 do cầu thấp, cung dư. Đáng buồn, mỗi năm, Việt Nam lại phải nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ các nước như Brazil, Mỹ, Trung Quốc... để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp lớn nhắm đến cà phê Việt, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là một trong những giải pháp tăng giá trị cho hạt cà phê, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và giá trị sản phẩm.

Chưa kể, các doanh nghiệp này khi đầu tư vào chế biến đều định hướng đến việc liên kết chặt chẽ với người nông dân để hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, cho ra đời các vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng, hỗ trợ sản xuất bền vững. Hoạt động sản xuất theo chuỗi này được thực hiện đúng theo định hướng của của Chính phủ về việc sản xuất nông nghiệp bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản nói chung và hạt cà phê Việt nói riêng trên bản đồ thế giới.

Phương Lan