Bà Oláh Nikoletta: Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu các khung khổ pháp lý

00:00 12/10/2020

Thay đổi tư duy kinh doanh, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn trong việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xuất khẩu hàng hóa sang EU nâng chất lượng sản phẩm của mình và mở rộng kết nối thị trường. Đó là những “nút thắt” cần được doanh nghiệp gỡ bỏ khi bước vào sân chơi của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), để sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị thị trường xuất nhập - khẩu. Với vai trò là Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam, bà Oláh Nikoletta đã có những đánh giá với phóng viên của tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về vấn đề này.

Bà Oláh Nikoletta - Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam

“Doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thụ động”

EVFTA đã được phê chuẩn và sẽ có hiệu lực từ 01/08/2020. Bà đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác trao đổi thương mại và thu hút đầu tư các doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu nói chung và các doanh nghiệp Hungary nói riêng? 

Bà Oláh Nikoletta:Về trao đổi thương mại, EU và Việt Nam đã là đối tác quan trọng. EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với doanh thu hai chiều 56,45 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Việc triển khai EVFTA sẽ có ý nghĩa một thúc đẩy to lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản cũng như các sản phẩm của Việt Nam. Các cam kết bảo vệ quyền bình đẳng, công bằng, an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của cả hai bên trong IPA cũng sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của môi trường pháp lý. Các doanh nghiệp Hungary cũng ngày càng quan tâm hơn đến các cơ hội do thị trường Việt Nam mang lại, và theo tôi, các thỏa thuận EVFTA và IPA sẽ thúc đẩy sự quan tâm của họ nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Hungary có rất nhiều thứ để cung cấp cho những công ty Việt Nam muốn đầu tư vào EU. Không chỉ là địa điểm hoàn hảo ở trung tâm châu Âu với cơ sở hạ tầng viễn thông và hậu cần phát triển, các ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư cũng khiến Hungary trở thành địa điểm lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh do dịch COVID-19 gây ra khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp của Hungary có xu hướng đa dạng hóa thị trường tiềm năng, một trong những xu hướng đó là đầu tư dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam. Ngược lại với doanh nghiệp Việt Nam, khi có mong muốn thông qua thị trường Hungary triển khai hoạt động đầu tư thì chúng tôi cũng sẽ có những chính sách ưu đãi hỗ trợ. Hungary cũng là một nước khá trung tâm tại châu Âu, nên nếu Việt Nam có mối quan hệ kinh tế với Hungary thì từ đó chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các doanh nghiệp nước khác xung quanh, nâng cao thương hiệu Việt Nam tại các nước châu Âu.

Các thỏa thuận EVFTA và IPA sẽ thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp Hungary vào thị trường Việt Nam

Từ ngày 01/08/2020, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Với việc phê chuẩn Hiệp định này, Liên minh châu u, một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam. EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh. Việc thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên song song với những cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ là rất lớn. Bởi EU là thị trường khó tính, các khung khổ pháp luật quy định nghiêm ngặt. Song song với việc các nước EU cũng sẽ thiết lập các rào cản bảo hộ sản xuất, hàng hóa trong nước, việc doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các vụ điều tra, kiện tụng phòng vệ thương mại là rất dễ xảy ra.

Khi tham gia EVFTA, để hàng hóa có thể vào châu Âu thường bị gặp khó khăn ở khung khổ pháp lý. Vậy theo bà, những vướng mắc mà doanh nghiệp Việt Nam hay gặp phải hiện nay là gì?

Bà Oláh NikolettaKhi tham gia EVFTA, doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt một loạt vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về bảo vệ môi trường, nguồn vốn, lao động… Trong đó, đáng nói nhất là sự thiếu thông tin về thị trường Liên minh châu Âu (EU), cũng như chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU... Điều này xuất phát từ việc hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thụ động, chủ yếu chỉ ngồi tại Việt nam và chờ đơn đặt hàng từ bên ngoài. Chính vì thế theo ý kiến của tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ hơn các yêu cầu của thị trường châu Âu, cũng như các yêu cầu thỏa thuận trong EVFTA. Các tiêu chuẩn cao, cũng như các thủ tục hành chính có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Nhưng tôi khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức và thúc đẩy quan hệ thương mại với EU.

Về nội tại, Hungary hiện là thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu. Tôi mong muốn chia sẻ cho Việt Nam biết được kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính. Tôi cũng mong muốn nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp tại Việt Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển và thông qua đó là cung cấp thêm thông tin về thị trường Hungary.

Không thể phụ thuộc vào một thị trường

Được biết, để có thể đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào với thị trường châu Âu đòi hỏi phải có những quy chuẩn khắt khe, bên cạnh đó do doanh nghiệp Việt chưa được trang bị đầy đủ thông tin và tuân thủ những tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao. Vậy theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tận dụng được tốt Hiệp định EVFTA cũng như tránh được những tranh chấp thương mại trong thời gian sắp tới?

Bà Oláh Nikoletta:Như đã biết, EU là một thị trường tiêu chuẩn cao và khó tính, đây là sức ép lớn buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn của mình hơn, phải tự lớn lên, tự cạnh tranh hơn. Rất nguy hiểm nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ quen với thị trường lớn và tương đối dễ tính. Như vậy thì khi gặp trục trặc, các bạn sẽ không thể thích ứng nổi. Đây chính là cơ hội, là động lực để doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cấp mình, cả về chất lượng, trình độ công nghệ lẫn tiêu chuẩn bền vững để giảm rủi ro, tránh phụ thuộc quá vào một vài thị trường nhất định.

Mặc dù khi EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan sẽ được giảm rất nhiều , nhưng không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam có thể tự nhiên thâm nhập vào thị trường EU. Bởi thị trường tiềm năng này là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, chất lượng. Chính vì vậy, hơn ai hết, doanh nghiệp Việt muốn khai thác cơ hội cần phải hiểu rõ về thị trường, nắm rõ thông tin, chuẩn bị các phương án để đối mặt với rào cản. 

Bên cạnh đó, dù có thể đã vào thị trường EU, làm ăn tốt nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro của các vụ kiện từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU hay rào cản từ những vụ kiện thương mại quốc tế. Chính vì vậy, EVFTA là một “cuộc chơi” và doanh nghiệp Việt Nam phải làm quen và thích ứng với nó. 

Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm quen với các quy định của thị trường EU hiện nay và chính trong thỏa thuận EVFTA, càng nhiều càng tốt. EVFTA mang đến cơ hội mở rộng xuất khẩu của các công ty Việt Nam, tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị và lập kế hoạch đầy đủ, những trở ngại có thể xuất hiện. Theo tôi, việc chuẩn bị, lập kế hoạch và thu thập thông tin có thể giúp tránh tranh chấp.

EVFTA là một “cuộc chơi” và doanh nghiệp Việt Nam phải làm quen và thích ứng với nó

Theo ý kiến của bà, những mặt hàng nào của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và cả thị trường Hungary sắp tới?  

Bà Oláh Nikoletta: Không dễ để đưa ra những đánh giá chính xác nhất. Nhưng theo tôi, các sản phẩm hoạt động mạnh mẽ cho đến nay sẽ tiếp tục thống trị các số liệu thương mại sẽ là các mặt hàng như giày dép, dệt may, hải sản, cà phê, v.v, nhưng EVFTA cũng mang đến cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm khác. Ngoài ra, khi tham khảo chỉ số về kim ngạch xuất khẩu, tôi nhận thấy rằng các nước EU đang mong muốn Việt Nam cần cân đối lại cán cân thương mại vì hiện tại Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn là nhập khẩu. Thông qua Hiệp định EVFTA này, tôi cũng nhận thấy đây là một hiệp định rất tốt và là cơ hội để Việt Nam cân đối lại cán cân thương mại.

EVFTA cũng mang đến cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dệt may

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2019 giữa hai nước Việt Nam – Hungary đạt 611,611 triệu USD, tăng 17,58% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đạt 340,796 triệu USD, chủ yếu các mặt hàng xuất khẩu là hàng dệt may và các phương tiện vận tải, phụ tùng. Còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hungary đạt 270,815 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chính là dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị vận tải, dệt may giày dép.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Hungary một số nhóm hàng chủ yếu như máy móc thiết bị, dược phẩm. Vào tháng 09/2018, trong chuyến thăm và làm việc của TBT – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Hungary, hai nước đã ra tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, tạo động lực tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

 Bảo Trinh