Dự hội nghị có đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương; Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Sở Công Thương một số tỉnh; Lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Yên Bái; các hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng quế trên địa bàn 3 huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên.
Hiện nay, Yên Bái có trên 80.000 ha quế, tại 3 huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn (riêng huyện Văn Yên trên 55.000 ha, được trồng ở 25/25 xã, thị trấn của huyện). Diện tích quế tập trung đạt trên 30.000 ha, diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận trên 7.000 ha. Trên địa bàn huyện Văn Yên có 14 cơ sở chế biến tinh dầu quế, 205 cơ sở gia công, chế biến quế vỏ, 04 cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế, có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế. Tổng sản lượng quế vỏ khô đạt trên 6.000 tấn/năm, sản xuất lá quế trung bình 65.500 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt trên 60.000 m3/năm.
Trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu chung của tỉnh đã dần ổn định và tăng tưởng, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 7 tháng năm 2024 đạt 236 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ (tương đương 54 triệu USD). Trong đó nhóm hàng nông lâm sản chế biến ước đạt 82 triệu USD, trong đó mặt hàng quế xuất khẩu trực tiếp ước đạt 2,1 triệu USD, xuất khẩu gián tiếp đạt: 10,27 triệu USD. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, giá trị này còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh và giá trị của cây quế.
Cùng với đó, hiện nay các sản phẩm quế của tỉnh đa số các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao. Do vậy để có những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng giá trị của sản phẩm quế, cần có biện pháp từ khâu cây giống đến thành phẩm xuất khẩu, sự kết hợp của chuỗi cung ứng, tiêu thụ trên toàn quốc. Xây dựng hệ sinh thái về quế là yêu cầu thiết thực, là giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển và tháo gỡ những khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến; quy trình sản xuất, vốn và công nghệ; xây dựng thương hiệu...
Hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung trao đổi, phản ánh, thảo luận, rút ra kinh nghiệm và những khó khăn vướng mắc gặp phải trong hoạt động sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu ngành quế. Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu ra những vấn đề mà doanh nghiệp quế tỉnh Yên Bái khi tận dụng FTA, cụ thể như việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; thiếu thông tin thị trường và quy định nước ngoài; vấn đề tiếp cận vốn, tín dụng; vấn đề về tư vấn, hướng dẫn…; thông tin về tiềm năng các thị trường tiêu thụ quế trên thế giới; những thuận lợi và thách thức của ngành hàng quế trong việc liên kết hợp tác và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài; xây ựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho quế Yên Bái…
Qua hội nghị này sẽ tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu các sản phẩm quế riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đồng thời, ngành Công Thương có thể nắm bắt để tham mưu với tỉnh cũng như phối hợp với các Bộ, ngành có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp ngành quế ngày càng phát triển và xuất khẩu bền vững.
P.V (T/h)