Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3 vừa qua đạt 3,05 tỉ đô la, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ đô la so với tháng trước.
Tính chung, trong quí 1/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỉ đô la, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ đô la. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Hàng dệt may cũng là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất, tới 1,46 tỉ đô la Mỹ trong tổng xuất khẩu của cả nước quí 1/2022 (chiếm gần 14% kim ngạch tăng thêm của cả nước).
Trong 3 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 4,36 tỉ đô la, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường EU (27 nước) với 896 triệu đô la, tăng 31,4%; thị trường Nhật Bản với 771 triệu đô la, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu đô la, tăng 6,9%…
Thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3% so với năm 2021. Cùng với đó, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, việc vị trí của Việt Nam giữ được sự liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.
Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may cho biết đơn hàng sản xuất để xuất khẩu liên tục tăng.
Với kịch bản tích cực nhất mà ngành dệt may đề ra khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam năm 2022 sẽ cán mốc 42-43,5 tỉ đô la.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quí 3-2022 nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó, vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
PV