Những hình ảnh tết xưa |
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù quanh năm tất bật nỗi lo sinh kế. Nhưng vào mỗi dịp cuối năm, khi Tết cổ truyền cận kề, tôi vẫn thường nhớ về những tết xưa thân thương, với những hình ảnh in hằn trong ký ức của thời “trẻ trâu”. Đó là nụ cười thương yêu, cái xoa đầu trìu mến của bố mẹ, là khuôn mặt rạng rỡ của anh em tôi khi nhận tiền mừng tuổi, được diện quần áo mới. Và nhất là được chén những món ăn ngon mà quanh năm thường phải nhịn thèm. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù quanh năm tất bật nỗi lo sinh kế. Nhưng vào mỗi dịp cuối năm, khi Tết cổ truyền cận kề, tôi vẫn thường nhớ về những tết xưa thân thương, với những hình ảnh in hằn trong ký ức của thời “trẻ trâu”. Đó là nụ cười thương yêu, cái xoa đầu trìu mến của bố mẹ, là khuôn mặt rạng rỡ của anh em tôi khi nhận tiền mừng tuổi, được diện quần áo mới. Và nhất là được chén những món ăn ngon mà quanh năm thường phải nhịn thèm.
Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, nhà tôi ở xóm Ba Lít, còn được gọi là phố Ngô Quyền, một xóm nhỏ của thị xã Thanh Hóa. Ngày ấy, dân cư còn thưa thớt, phố xá lèo tèo toàn nhà tranh vách đất. Xóm Ba Lít của tôi hầu hết đều làm nông nghiệp, trừ một số ít như nhà tôi không làm ruộng, được gọi là “dân gạo sổ” vì được nhà nước cung cấp gạo. Cũng giống các hộ trong xóm, nhà tôi sân, vườn rộng thênh thang, phía ngoài có hàng rào bằng rặng tre gai xen lẫn các bụi mây, dây mơ lông, cây mâm xôi, lạc tiên rậm rì. Giữa hàng rào có một cánh cổng bằng liếp tre, được chống lên bằng một khúc tre, đêm lại hạ xuống, hai bên giáp nhà hàng xóm để thông thống, không có hàng rào ngăn cách. Thời ấy tuy đã có nước máy công cộng, dùng miễn phí nhưng dân xóm vẫn hay dùng nước giếng đào. Nhà tôi có một cái giếng to, đầy nước và trong vắt, dân xóm hay đến rửa rau, vo gạo và gánh về dùng.
Đêm 30 tết, cả xóm quây quần bên bếp lửa luộc bánh chưng |
Nói về tết xưa. Háo hức nhất là những ngày trước tết, mấy anh em chúng tôi thỉnh thoảng lại hỏi bố mẹ xem còn mấy ngày nữa là tết (vì ngày ấy chưa có lịch). Mong mỏi, trông chờ mãi, rồi tết cũng đến trong sự vui sướng của lũ trẻ chúng tôi. Từ sáng ngày 30 tết, cái giếng nhà tôi đã tấp nập người đến rửa lá dong, đãi gạo nếp, đậu xanh để đồ xôi, nấu chè, gói bánh chưng. Tiếng trò truyện, cười đùa râm ran, xen lẫn tiếng lợn kêu eng éc, tiếng quang quác, quàng quạc của lũ gà, vịt vang lên từ đầu xóm đến cuối xóm … tất cả gợi lên một không khí rộn ràng, đầm ấm khi tết đến, xuân về.
Cũng từ buổi trưa ngày 30 tết, sau khi quét dọn sân vườn, nhà cửa, dựng cây nêu, rắc vôi bột vẽ hình cây cung với mũi tên chĩa ra cổng để “trừ tà ma, quỷ sứ”. Cả nhà tôi tất bật chuẩn bị cho bữa cỗ tất niên và gói bánh chưng. Chiều muộn, sau bữa cỗ tất niên với đủ món ngon như thịt gà, thịt đông, cá rán, canh măng, dưa hành, giò chả, củ đậu xào lòng gà … trên chiếc chiếu trải đầu hè, giữa đống lá dong, rá gạo nếp, chậu thịt lợn ba chỉ, đậu xanh, hạt tiêu bắc, bố mẹ tôi ngồi gói bánh chưng, anh em tôi cũng mỗi đứa mỗi việc, cùng nhau lấy gạch làm bếp, khiêng chiếc thùng nhôm to tướng đặt lên, múc nước giếng đổ vào, rồi khuân những gộc củi lớn chất vào bếp, đợi bánh gói xong để luộc. Khi gói bánh, bố mẹ tôi đều gói riêng cho năm anh em tôi, mỗi người một chiếc bánh nhỏ để ăn trước.
Khi bếp luộc bánh chưng đã cháy đùng đùng, mẹ tôi đi rửa hoa quả rồi bầy mâm ngũ quả, dựng hai cây mía hai bên ban thờ (dùng làm “gậy chống” cho ông bà, ông vải). Bố tôi ngắm nghía lại đôi câu đối dán trên cột nhà và hai bức tranh “lý ngư vọng nguyệt” dán hai bên ban thờ. Thấy mọi việc đã hoàn chỉnh, bố mới ngồi xuống bàn, lấy chiếc điếu bát vừa được đánh rửa sáng choang, thong thả nạp thuốc, châm đóm, rồi ngậm miệng vào chiếc cần vừa cong vừa dài, rít một hơi dài, sau tiếng điếu kêu tanh tách, ròn tan, bố khoan khoái ngửa mặt, phả khói lên trời. Nơi góc giường, mẹ đang lúi húi bổ cau, têm trầu để ngày mai tiếp khách sang chúc tết.
Đêm xuống, trong cái se lạnh của tiết xuân, anh em chúng tôi xúm xít quanh nồi bánh chưng, chờ ăn bánh và đón giao thừa. Trong lúc chờ đợi, mẹ tôi lần lượt gọi từng đứa vào góc bếp để tắm nước nóng, được nấu bằng cây rau mùi già thơm nức. Mãi rồi giây phút giao thừa cũng đến, đầu tiên là tiếng pháo đì đẹt, lưa thưa, rồi rộ lên thành những tràng âm thanh rèn rẹt kéo dài, râm ran khắp xóm. Chen trong tiếng pháo là tiếng chúc tết trầm ấm của Bác Hồ vang vang trên chiếc loa phóng thanh gắn trên ngọn cây cột điện giữa xóm. Đốt xong bánh pháo tép, anh em tôi lập tức sà xuống chiếu, chén ngay chiếc bánh chưng nhỏ của mình. Dù lúc tối vừa ăn cỗ tất niên, no ứ lên đến cổ, nhưng chúng tôi ai nấy đều đánh gọn chiếc bánh chưng của mình. Phải nói, món bánh chưng ngày ấy sao mà ngon đến thế, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên hương vị thơm ngon, bùi, béo và ngọt ngào của món bánh chưng chấm mật của tết xưa.
Sáng mùng 1 tết. Sau việc đầu tiên là thanh toán món xôi, chè cúng giao thừa, anh em tôi xúng xính trong bộ đồ mới áo pô- pơ- lin trắng, quần ka ki xanh, đứng xếp hàng nhỏ trước, lớn sau để bố mẹ mừng tuổi. Tiền mừng tuổi là những tờ một hào đỏ, hai hào xanh, mỗi người thường được khoảng 7 đến 8 hào (chưa đủ 1 đồng), chúng tôi nhét túi áo trắng để khoe trong mấy ngày tết, sau đó cất để ăn kem (5 xu một chiếc) và mua sách truyện về đọc.
Sau tiết mục mừng tuổi và nghe những lời dặn dò của mẹ “Ngày đầu năm, không được nói bậy, vấp ngã, gặp người quen phải chào hỏi … kẻo bị giông cả năm”. Lũ chúng tôi kéo nhau ra sân vận động Ba Lít, thưởng thức các trò chơi ngày tết gồm đấu vật, kéo co, chơi đu, chọi gà, đấu cờ người v.v… trong đó, tôi thích nhất là xem chọi gà, ngắm những chú gà chọi da đỏ tía, hùng dũng xù lông cổ, đầu gật gật rồi lao vào nhau tung ra những cú đá nẩy lửa. Những trận thư hùng này chỉ chấm dứt khi một con chịu thua, bỏ chạy, kẻ chiến thắng đuổi theo một vòng để thị uy, rồi vươn cổ gáy vang đầy oai vệ.
Xem chán, anh em tôi kéo nhau đi lượn phố, thỉnh thoảng lại rút khẩu súng gỗ tự làm ra nhồi thuốc diêm và kéo cò bắn. Sau tiếng nổ “đẹt” vang lên cùng làn khói khét lẹt xì ra từ nòng súng, chúng tôi tiếp tục dạo phố hoặc tụ tập với lũ bạn chơi đánh đáo ăn tiền ( 2 xu một ván). Chơi cho đến khi đói bụng mới mò về nhà lục ăn.
Vèo một cái, mấy ngày tết đã trôi qua trong sự tiếc rẻ của chúng tôi. Rồi những cái tết thanh bình, no đủ đã không còn do giặc Mỹ mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá ra miền Bắc, người dân thị xã hầu hết phải đi sơ tán về vùng ngoại ô. Nhà tôi chuyển lên sinh sống ở ngay chân núi Nhồi, trên đỉnh có hòn Vọng phu (người đàn bà hóa đá chờ chồng). Những năm tháng sơ tán trong khói lửa chiến tranh ấy, anh em chúng tôi đã trải qua thời kỳ “tuổi thơ dữ dội” đầy gian khó và cả hiểm nguy, nhà tôi mấy lần bị bom phá sập, có thời gian phải chuyển vào tá túc trong hang đá. Lũ chúng tôi ngày đi học một buổi, một buổi đi làm đá lấy tiền phụ bố mẹ. Thời gian này, kỷ niệm trong tôi về ngày tết chỉ là ánh mắt lo âu của mẹ, tiếng thở dài của bố, khi gần tết mà thùng gạo trong nhà vẫn chưa đầy, chưa có tiền sắm sanh đón tết. Là tiếng gió lùa hun hút kèm hơi lạnh xuyên qua bức tường bằng phên nứa của ngôi nhà tạm, là những tiếng kêu buồn thảm chào năm mới của lũ chim éc lợn bay từ vách núi xuống, đậu trên mái nhà rình săn chuột. Xen lẫn tiếng chim éc lợn là lời thì thầm da diết “thủ thỉ thù thì” của đôi chim khảm khắc gọi nhau kết bạn.
Những âm thanh não lòng cất lên giữa đêm giao thừa tối mịt mùng trong hẻm núi ngày xưa ấy, đã đọng lại vĩnh viễn trong ký ức non nớt của tôi cho đến tận bây giờ về những cái tết buồn trong thời kỳ chiến tranh gian khó ấy … Tuy nhiên, dù khó khăn, bố mẹ vẫn xoay xở cho các con có ba ngày tết tươm tất hơn ngày thường với những bữa ăn có cá, thịt, nhưng món tiền mừng tuổi, bánh chưng đêm giao thừa, quần áo mới đã trở nên xa xỉ, không đến với chúng tôi trong những ngày tết cổ truyền.
Năm tháng thoi đưa, tuổi thơ nhanh chóng trôi qua, chúng tôi lớn lên, già đi cùng những đổi thay của đất nước. Song song với sự phát triển của xã hội, cuộc sống ngày càng được nâng cao, kinh tế phát triển, vật chất đủ đầy, nhiều năm nay người ta không lo ăn tết nữa mà chủ yếu là lo đi chơi tết. Cùng với đó, những phong tục văn hóa cổ truyền, trò chơi dân gian và nhất là những tình cảm thân thương, đầm ấm mà ông bà, bố mẹ và con cháu dành cho nhau trong dịp sum vầy mỗi lần tết đến cũng không còn được như xưa.
Nhớ về những cái tết thời thơ ấu khi mà xuân Ất Tỵ đang về, tôi luôn thầm ao ước được một lần quay lại tuổi thơ, đón tết trong niềm vui sum họp gia đình, với đầy đủ bố mẹ, anh em ruột thịt cùng quây quần bên nồi bánh chưng chiều 30 tết. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, thời gian đi qua không bao giờ trở lại, và tết xưa đã mãi mãi xa rồi.