Trong Quý I/2024, theo AC Nielsen, ngành sữa vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ giữa năm 2023 với mức giảm 2,8% so với cùng kỳ. Ngoài ngành sữa, xu hướng giảm cũng được ghi nhận tại nhiều ngành hàng tiêu dùng nhanh khác. Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy xu hướng tương tự khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng trưởng 8,2% trong Quý I/2024, thấp hơn đáng kể so với mức tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn trước dịch Covid (2015-2019).
Những số liệu trên phản ánh tâm lý và thu nhập của người tiêu dùng đang chịu tác động trước tình hình biến động kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn từ vĩ mô và ngành, Vinamilk duy trì kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu Quý I/2024 đạt 14.112 tỷ đồng, tăng trưởng 1,4% so với cùng kỳ.
Theo khu vực, doanh thu thuần nội địa đạt 11.497 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, các thị trường nước ngoài đạt 2.615 tỷ đồng, tăng ấn tượng 7,7%. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.297 tỷ đồng, duy trì ở mức cao so với Quý IV/2023 và tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh khởi sắc. Ngoài ra, Vinamilk vẫn đang đẩy mạnh chiến lược xâm nhập vào các thị trường xuất khẩu tiềm năng như ở Châu Phi, Nam Mỹ...
Nhiều sản phẩm mới đã được Vinamilk bổ sung vào danh mục xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của các thị trường mới như Úc, New Zealand. |
Doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 1.319 tỷ đồng trong Quý I/2024, tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh lạm phát, Angkormilk và Driftwood đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực nhờ cải thiện về nhận diện thương hiệu và gia tăng giá trị cho người tiêu dùng.
Quý thứ 2 có lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 41,9% trong Quý I/2024, phục hồi lần lượt là 311 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 123 điểm cơ bản so với năm 2023 nhờ tăng trưởng doanh thu kết hợp với chi phí đầu vào thuận lợi. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp Quý I/2024 chiếm 24,7% trên doanh thu thuần, tăng nhẹ so với mức 24,5% của năm 2023. Mức tăng này đảm bảo Công ty có đủ ngân sách để tăng cường hoạt động phát triển kinh doanh, đồng thời bảo tồn mức cải thiện của biên lợi nhuận gộp.
Kết lại, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3 tháng đầu năm đạt 2.207 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Kết quả này đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp chỉ số này đạt tăng trưởng 2 chữ số nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp và kiểm soát hiệu quả các chi phí hoạt động. Biên biên lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý I/2024 đạt 15,6%, mở rộng lần lượt 195 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 71 điểm cơ bản so với cả năm 2023. Tương ứng, thu nhập mỗi cổ phần (EPS) đạt 944 đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Tuy có nhiều khởi sắc trong quí đầu năm, nhưng Vinamilk vẫn khá thận trọng với kế hoạch năm vừa được thông qua tại ĐHCĐ năm 2024 khi đặt mục tiêu tổng doanh thu là 63.163 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm 2023 và mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 9.376 tỷ đồng, tăng 4%. Như vậy, hiện công ty đã hoàn thành lần lượt là 22,4% và 23,5% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.
Biểu đồ tổng doanh thu của Vinamilk qua các năm |
Tính đến ngày 31/3/2024, số dư tiền thuần hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức cao từ khả năng sinh lời ổn định và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào, đảm bảo sức khỏe tài chính. Ngoài ra, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 13,2%, hạn chế tối đa áp lực đòn bẩy để phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả vào việc tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng giá trị cho chủ sở hữu của công ty mẹ.
Trong Quý I/2024, Vinamilk cũng đã chốt danh sách tạm ứng cổ tức đợt 3 năm 2023 với mức cổ tức mỗi cổ phần là 900 đồng, ngày thanh toán 26/4/2024.
Các hoạt động ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) nổi bật
Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI) đã trao chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014 cho Nhà máy Nước giải khát Việt Nam, thuộc hệ thống nhà máy của Vinamilk. Như vậy, Vinamilk hiện đang sở hữu 3 đơn vị gồm 2 nhà máy và 1 trang trại đạt được chứng nhận này. Kết quả này đến từ nỗ lực kép của doanh nghiệp trong việc liên tục triển khai các dự án giảm phát thải trong sản xuất chăn nuôi, và đồng thời duy trì, nhân rộng các quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ, góp phần giảm “dấu chân carbon” trên hành trình tiến đến mục tiêu Net Zero năm 2050.
Vinamilk hiện có 3 đơn vị đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế |
Trong Quý I/2024, Vinamilk đón nhận Danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao năm thứ 28 liên tiếp. Vinamilk một trong số ít doanh nghiệp giữ vững danh hiệu này sau 28 năm, tính từ khi chương trình được khởi xướng vào năm 1996. Cuộc bình chọn năm nay cũng cho thấy bên cạnh chất lượng, người tiêu dùng dành sự đánh giá cao cho các sản phẩm và thương hiệu còn vì các yếu tố phát triển bền vững.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao – đánh giá: “Trong công cuộc chuyển đổi phát triển bền vững, vai trò dẫn dắt của Vinamilk càng hết sức quan trọng để truyền cảm hứng và thúc đẩy các doanh nghiệp khác sớm tiến bước trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm”.