VinaCapital: Việt Nam vẫn hút FDI dù áp thuế tối thiểu toàn cầu

18:18 21/05/2023

Theo VinaCapital, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia, và/hoặc Indonesia.

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Việt Nam hưởng lợi hơn nhiều các quốc gia khác từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung về dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện 2 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn FDI của Việt Nam. Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, điều này đang thu hút sự chú ý của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Thứ nhất, giới phân tích cho rằng Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia, và/hoặc Indonesia.

Ông  Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital
Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital.

Thứ hai, cơ chế mới về thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của FDI, bởi giới hạn các ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư FDI tiềm năng.

Theo quan sát của chuyên gia VinaCapital, chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook vào tháng trước đã làm dấy lên một loạt suy đoán về ý định của Apple sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ.

Nhưng điều quan trọng là hầu hết sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ sẽ được bán ở thị trường nội địa nước này. Nghĩa là việc đầu tư vào Ấn Độ khác với chiến lược thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Dòng vốn FDI tại Maylaysia và Indonesia cũng tăng mạnh trong hai năm qua nhưng chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất những sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất, bao gồm cả pin ôtô điện (EV).

Việt Nam đã thu hút được nhiều hơn so với tỷ trọng vốn FDI kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018. Vì vậy một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực về dòng vốn FDI đang bắt đầu nắm bắt các khoản đầu tư, sau khi đã tụt hậu so với Việt Nam trong những năm gần đây.

"Trong những năm tới đây, Việt Nam vẫn có khả năng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư FDI được thúc đẩy bởi chiến lược Trung Quốc + 1", ông Michael Kokalari dự báo.

Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 13% kể từ căng thẳng thương mại. Việt Nam đã có được khoảng một nửa thị phần xuất khẩu giảm của Trung Quốc, qua đó tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ từ 6% năm 2018 lên 13% vào năm 2022.

Theo chuyên gia VinaCapital, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất kể từ chiến tranh thương mại bởi 3 thế mạnh quan trọng, đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và dẫn đến việc xuất khẩu tăng mạnh.

Đó là mức lương tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc trong khi năng suất tương đương nhau. Việt Nam có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Cuối cùng là Việt Nam được hưởng lợi từ hiện tượng “Friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít có rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thuỵ Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hongkong, Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và đây sẽ là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu các quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các biện pháp ưu đãi thuế trước đây của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng. Từ đó, việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư quốc gia sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trên thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới và có nhiều yếu tố kỹ thuật. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động rất lớn.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, nhấn mạnh, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Quỳnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam đang có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15% và giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20% như hiện nay. Chuyên gia này cũng cho rằng, việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng, không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư. 

P.V (t/h)